MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ Thị trường: "Chính phủ cũng đã bỏ khái niệm hàng hoá thiết yếu"

Cường Ngô LDO | 27/08/2021 17:12

Mặc dù các văn bản, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ về việc đảm bảo tạo thuận lợi cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa trong bối cảnh dịch COVID-19, tuy nhiên, một số địa phương lại có quy định riêng khiến hoạt động này gặp rất nhiều khó khăn. Khái niệm "hàng thiết yếu" cũng đang được hiểu mỗi nơi một kiểu.

Tất cả hàng hoá đều được lưu thông, trừ hàng cấm hoặc hạn chế kinh doanh

Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù Chính phủ đã quy định danh mục các mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng, mỗi địa phương có cách hiểu và áp dụng khác nhau.

Cũng vì cách hiểu và tổ chức triển khai khác nhau nên xảy ra tình trạng một số hàng hóa là nguyên liệu đầu vào của sản xuất hoặc phục vụ nhu cầu thiết yếu cho đời sống của người dân gặp khó khăn, thậm chí ách tắc khi lưu thông trên địa bàn địa phương hoặc giữa các địa phương với nhau.

Ông Đông nêu dẫn chứng từ vướng mắc của siêu thị MM Mega Market trong lưu thông vận chuyển hàng hóa ở TP.Cần Thơ.

Theo đó, do hiểu khác nhau về văn bản hướng dẫn của địa phương về hàng hóa thiết yếu hay không thiết yếu, nên chốt kiểm soát đã không đồng ý cho xe vào và yêu cầu quay đầu.

Trong khi MM Mega Market đã cung cấp tất cả thông tin về xe, hàng hóa và tài xế, phụ lái trước 1 ngày vào 13h hàng ngày cho Sở Công Thương của TP.Cần Thơ và sau đó có đóng dấu xác nhận của Sở Công Thương trên các danh sách phương tiện đã đăng ký.

Có ngày, các xe của MM Mega Market phải đợi từ sáng đến tối nhưng vẫn chưa được vào thành phố. Đặc biệt, UBND thành phố Cần Thơ còn yêu cầu "tất cả các phương tiện đến thành phố giao nhận hàng hóa đều phải tập trung giao nhận tại các điểm tập kết, trung chuyển và giao nhận hàng hóa do thành phố quy định".

Nhìn thấy những bất cập này, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa "cấm lưu thông" thay vì liệt kê danh mục “hàng hóa thiết yếu” được phép lưu thông.

Văn bản này đề xuất cho phép lưu thông tất cả hàng hoá, trừ những mặt hàng bị cấm hoặc hạn chế kinh doanh. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có văn bản chỉ đạo "cho phép lưu thông hàng hoá bình thường".

Danh mục hàng hoá cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh. 

Tuy nhiên, ông Trần Duy Đông cho rằng - phải hiểu rất rõ chỉ đạo này chỉ áp dụng ở khía cạnh lưu thông vận chuyển.

"Theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, bây giờ vấn đề vận chuyển lưu thông là tất cả hàng hoá (trừ hàng hoá cấm) thì đều được lưu thông hết. Hiện Chính phủ cũng đã bỏ khái niệm hàng hoá thiết yếu.

Còn ở khía cạnh sản xuất, hiểu thế nào là sản xuất hàng hoá thiết yếu, hiện giờ vẫn chưa có văn bản hướng dẫn chính thức. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội đã áp dụng mô hình sản xuất "3 tại chỗ", hoặc sản xuất, nhưng hạn chế về số người, số lao động trong nhà máy (duy trì từ 10-30% số lao động trong nhà máy)", ông Đông nói.

Không áp dụng trong lĩnh vực kinh doanh buôn bán

Vụ trưởng Vụ Thị trường cũng khẳng định, việc bỏ danh mục "hàng hoá thiết yếu" chỉ áp dụng trong lĩnh vực vận chuyển hàng hoá; không áp dụng trong lĩnh vực kinh doanh, buôn bán.

Bởi, vấn đề kinh doanh, buôn bán phải phụ thuộc và tình hình của các địa phương. Ví dụ, thành phố Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội thì không thể cho phép kinh doanh nhà hàng. Khái niệm lưu thông và kinh doanh là khác nhau.

Lưu thông vận chuyển như huyết mạnh của nền kinh tế cho nên phải đảm bảo. Trên thực tế, những cơ sở ngừng sản xuất, hoặc sản xuất cầm chừng vẫn cần có một số hàng hoá, nguyên liệu để đảm bảo cho sản xuất, vận hành nhà máy", ông Đông cho hay.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn