MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ Tổng kho hàng lậu Lào Cai đã bị triệt phá như thế nào?

Ngô Cường LDO | 23/07/2020 12:40

Vừa qua, Tổng Cục quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục A05, Bộ Công An "tấn công" vào 1 kho hàng lậu rộng hơn 10.000m2 tại thành phố Lào Cai. Tổng cục QLTT nhận định đây là một vụ việc bán hàng giả, lậu liên quan tới thương mại điện tử có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Tổng kho hàng lậu: Vị trí đắc địa nhưng kín đáo

Trong quá trình tra soát địa bàn, Phòng Nghiệp vụ 1 (Cục Nghiệp vụ QLTT) đã phát hiện ra một lượng lớn hàng hóa nghi vấn hàng lậu, hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng đang ngày ngày được chuyển từ biên giới phía Bắc đi khắp cả nước.

Cục nghiệp vụ và Tổ công tác 368 nhận định, lượng hàng hóa xuất phát chủ yếu ở tỉnh Lào Cai giáp ranh với Trung Quốc. Các kiểm soát viên của Tổng cục nắm bắt đầy đủ thông tin về 2 tài khoản Facebook có tên là Thảo Trần và Giày Đồng Giá. Hai tài khoản này thường xuyên tổ chức livestream bán hàng với quy mô lớn tại tổng kho có địa chỉ 145 đường Hoàng Diệu, phường Phố Mới, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

Các sản phẩm giả được nhân viên livestreams bán trên Facebook. Ảnh: DMS 

Tổng kho nằm ở vị trí đắc địa, nhưng rất kín đáo. Phía trước mặt tổng kho tiếp giáp với đường ray của ga Lào Cai, phía sau là 1 quả đồi sừng sững che chắn.

Sau 2 ngày đêm phục kích, lúc 16h ngày 7.7.2020, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT ra lệnh tổng kiểm tra kho hàng.

Nhóm chuyên án gần 100 chiến sĩ cảnh sát cơ động đã tấn công vào Tổng kho hàng lậu hơn 10.000m2 do đối tượng Trần Thành Phú cùng em gái cầm đầu Tổng kho này.

"Đi từ cổng vào, bên phải là khu chòi canh bảo vệ, bên trái là lối đi rộng đủ cho 2 xe container ra vào tận sâu trong kho bốc dỡ hàng. Bên trong tổng kho được ngăn khu chức năng, lối đi thông nhau và được bố trí khá lắt léo như bước vào một ma trận. Hàng hóa được phân khu khá bài bản, được đánh mã số thống nhất để tiện cho việc chốt đơn, lấy hàng và đóng gói gửi đi", Tổng cục QLTT cho hay.

Theo Tổng cục, thời điểm nào cũng có không dưới 70 nhân viên hoạt động nhộn nhịp. Ai biết việc của người ấy, từ khâu livestream giới thiệu sản phẩm cho khách xem trên Facebook, nhóm khác thì tập trung chốt đơn khi có khách hỏi hàng.

Xa xa là nhóm chỉ chuyên in địa chỉ mã hàng đóng gói, nhập COD, phân loại hàng hóa theo địa chỉ chốt đơn sau đó hàng hóa được chuyển tới phòng chờ chuẩn bị chuyển phát. Các hãng chuyển phát J&T Express, Viettel Post tổ chức cho nhân viên vào tại kho để phối hợp với bên đóng gói hàng theo đơn và cho xe tải nhỏ chuyển hàng đi.

Khai nhận ban đầu của các nhân viên tại thời điểm kiểm tra, hàng hóa được tuồn lậu từ Quảng Châu, Trung Quốc. Ngày nào tối thiểu nhóm này cũng chốt được trên dưới 1.000 đơn hàng. Lợi nhuận suốt 2 năm qua là 649 tỉ đồng.

Bình quân hàng tháng gần 100.000 đơn vị sản phẩm, phục vụ cho 30.000 đến 40.000 đơn hàng. Làm phép tính nhẩm đơn giản, nếu tổng kho này tồn tại 1 năm thì sẽ có hàng triệu sản phẩm được bán lẻ từ đây đi khắp Việt Nam, đấy là còn chưa kể kênh bán buôn! 

Để phục vụ cho công tác mở rộng điều tra, Tổng cục QLTT đã cho tạm giữ, niêm phong toàn bộ kho hàng. Con số chính thức sau 4 ngày đêm kiểm đếm: Tổng kho hàng có 237 chủng loại hàng hóa với tổng số 158.014 đơn vị sản phẩm.

Trong đó, gồm 151.326 đơn vị sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ (hàng lậu) và 6.688 đơn vị hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Trong kho còn có 811 mã đơn hàng đã được đóng gói chờ chuyển phát. Ngoài lực lượng chức năng, Tổng cục QLTT còn phải thuê thêm 70 nhân công bốc xếp, khuân vác, phục vụ kiểm đếm. Toàn bộ số hàng được chất vào trong 34 container mới đủ chỗ để niêm phong!

34 Container dùng để niêm phong toàn bộ số hàng lậu, hàng giả

Đoàn kiểm tra đã ra quyết định tạm giữ, lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện, theo thủ tục hành chính và niêm phong toàn bộ số hàng hóa trên cùng 2 xe ôtô tải 5 tấn, 49 bộ máy tính, 1 laptop, 2 két sắt, 1 đầu thu camera, 1 máy in tem dưới sự chứng kiến của các cơ quan chức năng phối hợp và chính quyền địa phương.

Tổng cục QLTT đánh giá đây là một vụ việc bán hàng giả, lậu liên quan tới thương mại điện tử có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Chủ của cơ sở kinh doanh không đứng tên trực tiếp, mọi giao dịch với người tiêu dùng được tiến hành thông qua những người đại diện được thuê mướn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn