MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ tranh chấp tại Trung Nguyên: Có quá nhiều quan điểm khác nhau

Cường Ngô LDO | 16/01/2021 16:44

Liên quan đến tranh chấp giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, đại diện Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, các quyền sở hữu nhãn hiệu Trung Nguyên và G7 là tài sản chung của Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên. Tuy nhiên, cuộc họp của nhiều bộ về vụ tranh chấp này đã có quá nhiều quan điểm khác nhau.

Còn nhiều quan điểm khác nhau

Theo đó, tại cuộc họp giải quyết đơn vụ tranh chấp này do Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, vụ tranh chấp này còn nhiều quan điểm, nội dung cần thêm sự cân nhắc.

Quan điểm của Cục Sở hữu trí tuệ là quyền sở hữu nhãn hiệu G7, Trung Nguyên là thuộc Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên. Vì nhãn hiệu Trung Nguyên có 2 giấy chứng nhận, nhãn hiệu G7 bảo hộ tổng thể G7, kèm theo 5 hình ảnh Giấy chứng nhận.

Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ thông tin: Vừa qua có vụ kiện giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo nhưng bản án phúc thẩm đã bị giám đốc thẩm và bị tạm đình chỉ nên hiện nay, quyền sở hữu với tài sản của Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên, trong đó có quyền sở hữu nhãn hiệu đang trong tình trạng tranh chấp.

Song, đại diện Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ lại có quan điểm khác với quan điểm của Cục Sở hữu trí tuệ. Theo đó, Thanh tra bộ cho rằng, các quyền sở hữu nhãn hiệu Trung Nguyên và G7 là tài sản chung của Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên.

Vụ tranh chấp tại Trung Nguyên, 5 bộ cùng vào cuộc vẫn bế tắc. Đồ hoạ: LĐO

Công ty có quyền định đoạt với tài sản này cho dù ông Vũ hay bà Thảo có nắm giữ cổ phần trong công ty hay không thì đó vẫn là tài sản chung của Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên.

"Tôi cho rằng chưa rõ ràng về đối tượng bị xử lý vì Chi nhánh Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang cũng do ông Vũ là đại diện theo pháp luật" - đại diện Thanh tra Bộ nói.

Về phía Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), đơn vị này cho rằng do bản án phúc thẩm đã được kháng nghị giám đốc thẩm, nhãn hiệu đang trong tình trạng tranh chấp và theo quy định của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP - vẫn chấp nhận thông quan cho các lô hàng của Chi nhánh Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang với điều kiện doanh nghiệp nội địa phải cung cấp hóa đơn, chứng từ chứng minh lô hàng mua từ Chi nhánh tại Bắc Giang.

Tình tiết cụ thể cần xác minh, điều tra thêm

Đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp của Bộ Công an lại cho biết, nhãn hiệu đều thuộc quyền sở hữu của Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên. Vợ chồng ông Vũ, bà Thảo đang có tranh chấp, kiện tụng, nhưng đơn kiến nghị của ông Vũ là kiến nghị xử lý xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu G7, Trung Nguyên.

Chính vì vậy, dù có tranh chấp về quyền sở hữu cổ phần trong công ty cổ phần thì quyền sở hữu nhãn hiệu vẫn thuộc tài sản công ty trên.

Và những thiệt hại ước tính của ông Vũ hiện chưa có tài liệu nào xác thực, cần xác minh, điều tra làm rõ. Song theo quan điểm của cục này, rất khó để khẳng định có xử lý hình sự được hay không và chưa có đủ căn cứ để xử lý hình sự.

"Hiện các thông tin, tài liệu theo đơn kiến nghị của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và các nội dung phản ánh cũng chỉ mang tính chất đơn phương từ ông Vũ, chưa đầy đủ. Các tình tiết cụ thể cần xác minh, điều tra thêm để đưa ra kết luận có căn cứ" - là ý kiến của đại diện Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế của Bộ Tư pháp.

Đại diện của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cho biết, nếu theo đơn của ông Vũ đề nghị xử lý vi phạm hành chính (đối với tổ chức, cá nhân vi phạm nhãn hiệu Trung Nguyên và G7) thì nếu có xử lý vi phạm sẽ không hợp lý và mục đích của việc xử lý chưa thực hiện được nếu nó nhằm ổn định trật tự quản lý nhà nước.

Đại diện Thanh tra Bộ Công Thương cũng cho biết, chưa có tài liệu xác minh thiệt hại trong vụ việc này và đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ làm rõ về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ.

Do còn quá nhiều quan điểm khác nhau, chưa thống nhất trong việc xử lý vụ việc nên lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường kiến nghị "phải có sự chỉ đạo thống nhất của cấp trên các cơ quan này trong quá trình giải quyết vụ việc".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn