MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại diện Grab tại tòa sơ thẩm. Ảnh: Hữu Khoa/Vnexpress

Vụ Vinasun kiện Grab: "Kháng nghị là đúng vì bản án không phù hợp"

Cường Ngô LDO | 13/02/2019 19:29

Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) Cấp cao tại TPHCM trong vụ Vinasun kiện Grab cho thấy khoảng trống pháp lý rất lớn cần được lấp đầy trong lĩnh vực kinh doanh vận tải.

"Không đủ căn cứ để nói Grab vi phạm pháp luật"

Mới đây, VKSND Cấp cao tại TPHCM vừa kháng nghị, yêu cầu Tòa án Nhân dân (TAND) cùng cấp xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án của TAND TPHCM buộc Công ty TNHH Grab Việt Nam bồi thường cho Vinasun hơn 4,8 tỉ đồng; đồng thời không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc cơ quan công tố kháng nghị lại quyết định của Hội đồng xét xử (HĐXX) cấp sơ thẩm cho thấy phán quyết của tòa chưa hợp lý, chưa có đủ căn cứ pháp luật để xử phạt bị đơn Grab. Bởi, Grab hoạt động ở Việt Nam theo Đề án thí điểm (Quyết định 24 ngày 7.1.2016) của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).

"Quyết định 24 cho phép các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối vận tải như Grab có thể tham gia thí điểm. Khi chưa định danh bản chất mô hình hoạt động của Grab, chưa luật hóa rõ ràng thì chưa đủ căn cứ để nói vi phạm pháp luật đối với hoạt động kinh doanh của Grab", chuyên gia kinh tế nói.

Cuộc chiến giữa Vinasun và Grab. Ảnh: cafef

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TPHCM - cho biết, về thẩm quyền, việc kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TPHCM đối với bản án của TAND cấp sơ thẩm đúng quy định của pháp luật.

Theo luật sư, vấn đề pháp lý mấu chốt trong vụ án này là việc Vinasun kiện Grab để đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng dựa trên cơ sở pháp lý nào?

Theo Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng - khi người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác, gây thiệt hại phải bồi thường.

Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng, hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Như vậy, để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phải có hành vi trái pháp luật, có thiệt hại xảy ra có mối quan hệ giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại hoặc người gây thiệt hại phải có lỗi.

Ngày 7.1.2016, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 24 về "Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng". Sau đó được kéo dài thời gian thí điểm cho đến khi có nghị định mới thay thế Nghị định 86.

Grab là đơn vị vận chuyển hành khách có thẩm quyền của Nhà nước cho phép dựa theo Đề án 24 của Bộ GTVT; hoạt động kinh doanh của Grab không vi phạm pháp luật. Từ đó, có thể nhận định, bản án sơ thẩm nhận định Grab vi phạm Đề án 24 và Nghị định 86 không có cơ sở.

"Bản án này làm xấu đi môi trường kinh doanh"

Theo luật sư, hoạt động của Grab và Vinasun là vận chuyển hành khách. Đối tượng phục vụ là hành khách. Vì vậy, doanh thu sụt giảm của Vinasun (nếu có) có phần là do người tiêu dùng đã lựa chọn Grab vì sự ưu thế của nó so với Vinasun cũng như các hãng taxi truyền thống khác.

"Việc tòa xử buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun, dù số tiền là bao nhiêu, cũng là quyết định không phù hợp. Bản án này chưa có hiệu lực vì đã bị kháng cáo, nhưng nếu sau này mà cấp phúc thẩm y án thì đó là một tiền lệ nguy hiểm.

Điều quan trọng, nếu đó là một án lệ đúng thì việc đồng loạt các hãng taxi truyền thống có thể sử dụng làm căn cứ để kiện Grab. Nhưng, khi cơ sở pháp lý còn thiếu thuyết phục thì rõ ràng, bản án này làm xấu đi môi trường kinh doanh của nước ta", luật sư cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn