MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vừa mua điện, vừa phải nhập khẩu than liệu có đảm bảo đủ cung ứng điện

Cường Ngô LDO | 19/12/2019 11:14

Trong tình hình nguồn than trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu than cho phát điện, Chính phủ đã cho phép các đơn vị thuộc Bộ Công Thương được sử dụng nguồn than nhập khẩu về và trộn với than trong nước, phục vụ việc phát điện.

Than nhập khẩu sẽ trộn với than trong nước để phát điện

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tình hình nhu cầu sử dụng điện đến cuối năm tiếp tục tăng cao, sản lượng điện huy động từ các nhà máy thủy điện giảm do lưu lượng nước về và mực nước tại các hồ thủy điện rất thấp so với cùng kỳ nhiều năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải tăng cường huy động nguồn điện từ các nhà máy nhiệt điện than và nguồn điện chạy dầu, để đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng.

Dự kiến năm 2020 phải huy động khoảng 3,4 tỉ kWh từ chạy dầu, đây là nguồn điện có chi phí rất cao.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2020, chúng ta dự kiến sẽ phải huy động 132 tỉ kWh điện từ các nhà máy điện than. Đây được xem là một trong những nguồn cung ứng điện rất quan trọng.

Cục Điều tiết điện lực sẽ đề nghị Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị cung cấp than như Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty than Đông Bắc, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phải chủ động về nguồn nguyên liệu phục vụ việc phát điện.

"Trong tình hình nguồn than trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu than cho phát điện, Chính phủ đã cho phép các đơn vị này được sử dụng nguồn than nhập khẩu về và trộn với than trong nước.

Năm 2020, dự kiến chúng ta phải cần 66 triệu tấn than, trong đó có 15 triệu tấn than nhập khẩu, còn lại là than do các đơn vị trong nước cung cấp", ông Tuấn nói.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, trong đó năm 2019, sản lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc  là 2,1 tỉ kWh, nhập khẩu điện từ Lào là 1,1 tỉ kWh và năm 2020 giữ nguyên mức nhập khẩu này.

Việt Nam tiếp tục nhập khẩu điện. Ảnh: N.H

Cắt điện là khó chấp nhận

"Năm 2020 hệ thống điện vẫn đáp ứng đủ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở giải pháp tập trung là huy động nhiều hơn các nhà máy than, 3,4 tỉ kWh điện dầu. Song, đó đang là kế hoạch, còn việc triển khai cho năm tới có thể có nhiều biến động. Nếu mưa nhiều có thể huy động nhiều hơn ở nguồn thủy điện" - ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại buổi họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN tổ chức chiều 18.12.

Mặc dù khẳng định có thể đảm bảo cung cấp điện trong năm 2020, song Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, việc cung cấp điện giai đoạn sau sẽ gặp nhiều khó khăn. Nếu thiếu 1 kWh điện sản xuất thì chi phí xã hội phải bỏ ra rất nhiều, nên Bộ Công Thương đã chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, cũng như đảm bảo đáp ứng đủ điện.

Đối với câu hỏi về trách nhiệm khi để xảy ra thiếu điện và Thủ tướng nêu yêu cầu nếu để xảy ra thiếu điện sẽ cắt chức, ông Vượng bày tỏ rằng những cán bộ đang công tác trong ngành điện đều luôn quan tâm làm sao có đủ điện để phát triển kinh tế - xã hội và đất nước.

Thực tế, giai đoạn 2009-2010 đất nước đã từng trải qua thiếu điện, phải cắt điện luân phiên, với rất nhiều khó khăn, nên ông cho rằng nếu giờ thiếu điện là khó chấp nhận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn