MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vùng đất của những triệu phú “ăn cơm đứng”

Phương Nhiên LDO | 28/07/2022 14:36

Lâm Đồng – Chỉ với 1ha trồng dâu tằm đã đem lại thu nhập khoảng 60 triệu đồng mỗi tháng. Nhiều năm qua, người làm nghề "ăn cơm đứng" ở Lâm Đồng có thu nhập ổn định từ hàng trăm triệu đến cả hơn tỉ đồng mỗi năm.

Đứng lên từ vùng đất trũng

Nằm trong vùng hạ lưu của sông Cam Ly, xã Bình Thạnh (huyện Đức Trọng) có địa hình trũng thấp, cứ đến mùa mưa, nước sông dâng cao, người dân lại khốn khổ vì ngập lụt. Lúa ngô, hoa màu, cà phê… không bị chết vì úng thì sản lượng cũng chẳng là bao.

Từ gần chục năm nay, thấy nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển nở rộ trở lại, người dân trên địa bàn xã bắt đầu chuyển đổi mạnh từ diện tích trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Hiện toàn xã có gần 700 hộ dân làm nghề (chiếm hơn 80%) với diện tích khoảng 310ha.

Theo ông Đỗ Văn Hiền - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh (huyện Đức Trọng), vì cây dâu ưa đất phù sa, độ ẩm cao, rất phù hợp với địa hình trũng thấp dọc hai bờ sông Cam Ly chảy qua địa bàn xã. Hơn nữa, nếu mùa mưa có ngập lụt thì khi nước rút, cây dâu vẫn không ảnh hưởng gì nên địa phương cũng đang khuyến khích bà con mở rộng mô hình này.

  Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Lâm Đồng hiện cho hiệu quả kinh tế hơn hẳn nhiều loại cây trồng khác.

Gia đình bà Nguyễn Thu Phượng (thôn Thanh Bình 3) đã có hơn 30 năm theo nghề “ăn cơm đứng”. Với khoảng 7 sào trồng dâu, mỗi tháng gia đình bà thu được khoảng 2 tạ kén. Từ cuối năm 2021 đến nay, giá kén dao động khoảng 200.000 đồng/kg đem lại thu nhập khoảng 40 triệu đồng/tháng cho gia đình.

“Được cái nghề trồng dâu nuôi tằm này có chi phí đầu tư thấp, xoay vòng vốn nhanh nên chúng tôi có thể tái sản xuất và đầu tư liên tục. Hơn nữa, mình có thể tận dụng nhân công nhàn rỗi trong gia đình nên rất hiệu quả" - bà Phượng chia sẻ.

Nói nghề “ăn cơm đứng” vất vả đã là chuyện từ thời xa xưa. Ngày nay, người dân Lâm Đồng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên công việc trồng dâu nuôi tằm dễ dàng hơn rất nhiều.

Gia đình ông Phạm Minh Tuấn (xã Tân Thanh, Lâm Hà) có 4 lao động trồng 1ha dâu để nuôi tằm, thu nhập gần 80 triệu đồng/tháng.

“Ngày xưa mình phải băm dâu bằng tay rồi bê từng cái nong tằm lên xuống cho ăn, bây giờ mình có máy thái lá, hệ thống khay trượt, kéo ra kéo vào cho ăn rất dễ dàng. Khi thu kén cũng có thiết bị lấy kén chuyên dụng nên nhanh chóng, đơn giản vô cùng” - ông Tuấn chia sẻ.

Lột xác cùng con tằm

Theo số liệu thống kê năm 2021, toàn xã Bình Thạnh (huyện Đức Trọng) thu khoảng 140 tỉ đồng từ nghề trồng dâu nuôi tằm. “Với tình hình từ đầu năm 2022 đến nay, giá kén tăng hơn 1,5 lần so với năm ngoái nên dự kiến tổng thu năm nay sẽ còn cao hơn nữa” - ông Đỗ Văn Hiền - Chủ tịch xã Bình Thạnh cho hay.

Bà Nguyễn Thu Phượng (xã Bình Thạnh) cho biết, nhờ trồng dâu nuôi tằm 30 năm nay mà vợ chồng tôi nuôi 4 đứa con ăn học, xây được nhà, mua được đất, gửi tiền ngân hàng.

  Nhiều gia đình ở Lâm Đồng vẫn đang tiếp tục mở rộng quy mô nghề trồng dâu nuôi tằm.

Còn xã Tân Thanh, Lâm Hà hiện có 1.000 hộ dân theo nghề trồng dâu nuôi tằm, với diện tích khoảng 700ha. Cứ 1ha trồng dâu nuôi tằm sẽ cho thu nhập từ 700-800 triệu đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Hải Quân - Chủ tịch xã Tân Thanh cho biết, dâu tằm là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, là cây thoát nghèo. Trước năm 2015, toàn xã vẫn còn tới 10% hộ nghèo thì nay, nhờ nghề trồng dâu nuôi tằm, địa phương chỉ còn 2,4% hộ nghèo theo tiêu chí cũ.

Trong khoảng 1.000 hộ dân của xã theo nghề trồng dâu nuôi tằm, khoảng 20% trong số đó có thu nhập từ 40-60 triệu đồng/tháng, có vài chục hộ thu nhập cả tỉ đồng mỗi năm.

Thế nên không phải mình con tằm nó lột xác nhả tơ thôi đâu mà đời sống người dân địa phương cũng được thay da đổi thịt nhờ nghề này mấy chục năm qua" - ông Quân chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn