MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều khu chợ trên địa bàn TP Hà Nội đang bộc lộ hàng loạt vướng mắc khi xây mới, vận hành. Ảnh: Thu Giang

Vướng mắc quy hoạch, nhiều khu chợ Hà Nội có nguy cơ giải thể

Thu Giang LDO | 05/08/2023 15:22

Hà Nội - Thiếu cơ sở pháp lý và quy hoạch rõ ràng, nhiều khu chợ trên địa bàn TP Hà Nội đang bộc lộ hàng loạt vướng mắc, thậm chí có những khu chợ có nguy cơ bị giải thể vì vướng quy hoạch phát triển đô thị.

Tại Hội nghị Giao ban công tác quản lý nhà nước về công thương cấp huyện - mới đây, ông Nguyễn Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, hiện cơ chế đầu tư chợ bằng ngân sách đã được đồng ý nhưng trong quá trình triển khai, quận gặp rất nhiều khó khăn như về giá đất, tiền thuê đất.

Ông Nam phân tích, hiện nay quận Nam Từ Liêm cũng đang cân nhắc trong xây dựng mới chợ dân sinh, vì chợ chủ yếu bán các mặt hàng nông sản, còn các hàng khác bán rất ít.

Đối với chợ truyền thống, quận Nam Từ Liêm đã chuyển đổi cho các hợp tác xã quản lý, nhưng hiện vẫn còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến đầu tư xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền thuê đất…

Nhiều khu chợ Hà Nội đang thiếu cơ sở pháp lý và quy hoạch rõ ràng. Ảnh: Thu Giang

Tương tự, ông Vũ Xuân Trường - Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên cho rằng, hiện nay quận Long Biên mới chỉ có quy hoạch sử dụng đất, chưa có quy hoạch ngành nên việc phát triển, xây dựng hệ thống bán lẻ khó khăn.

Quận Long Biên đề nghị Sở Công Thương Hà Nội và các ngành liên quan xây dựng quy hoạch ngành để địa phương có căn cứ pháp lý triển khai xây dựng chợ, trung tâm thương mại.

Hiện, quận Long Biên đang có 31 chợ nhưng chưa có quy hoạch chợ nên rất có thể một số khu chợ sẽ bị giải thể vì vướng quy hoạch phát triển đô thị.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội mới đây, trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực công thương, việc thực hiện quản lý và phát triển chợ trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc.

Nguyên nhân là do còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp lý nên không thu hút được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, cải tạo chợ làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, kinh doanh khai thác chợ.

Hệ thống chợ dân sinh trên một số địa bàn Hà Nội còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Ảnh: Thu Giang

Hệ thống chợ dân sinh trên một số địa bàn còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân dẫn đến phát triển các tụ điểm chợ cóc ảnh hưởng đến an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...

Đề cập đến nội dung này, bà Trần Thị Phương Lan -quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - nhận định, Sở sẽ triển khai quyết liệt công tác giải tỏa, chống tái chiếm các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm, các điểm kinh doanh tự phát trên địa bàn.

Giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc về khiếu nại, tố cáo liên quan đến các chợ trên địa bàn; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025…

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2025, TP Hà Nội sẽ tiến hành xây mới, xây dựng lại 141 chợ và nâng cấp, cải tạo 168 chợ. Trong đó, năm 2023 sẽ xây mới 48 chợ, cải tạo sửa chữa 57 chợ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn