MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường chứng khoán có chuỗi tăng điểm ấn tượng. Ảnh: Lê Toàn

Vượt qua áp lực bán từ khối ngoại, VN-Index tiến sát mốc 1.300 điểm

Gia Miêu LDO | 10/07/2024 08:32

Áp lực bán ròng từ khối ngoại vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, nhưng phiên giao dịch ngày 9.7, chỉ số VN-Index đã có một phiên tăng hơn 10 điểm tiến sát mốc 1.300 điểm với thanh khoản tốt nhờ dòng tiền từ phía nhà đầu tư nội.

Kết phiên hôm qua, VN-Index tăng 10,15 điểm (0,79%) lên 1.293,7 điểm. Toàn sàn HoSE có 295 mã giữ được sắc xanh cuối phiên, trong đó có 8 mã trần. Phía ngược lại, số mã giảm chỉ chiếm một nửa so với số mã tăng và 63 mã đi ngang.

Bảng điện VN30 có số lượng mã tăng áp đảo với 25 mã, trong khi số mã giảm chỉ có 5 mã gồm: FPT, MWG, PLX, TCB và VNM. Thanh khoản phiên hôm qua quay lại trên mốc 20.000 tỉ đồng với 821,8 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng. Do bị khối ngoại bán mạnh, nên FPT cũng là mã có giá trị cao nhất sàn HoSE với 1.327 tỉ đồng.

Dù áp lực bán ra không còn mạnh như phiên 8.7, nhưng trạng thái bán ròng của khối ngoại vẫn là yếu tố kìm đà hồi phục của thị trường trong các phiên trước. Theo thống kê, khối ngoại bán ròng 460 tỉ đồng trên sàn HoSE. Đây là phiên bán ròng thứ 24 liên tiếp của họ trên sàn TPHCM. Đáng chú ý, FPT tiếp tục là mã cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất sàn với gần 680 tỉ đồng.

Tháng 6 vừa qua, sàn HoSE ghi nhận giá trị bán ròng của khối nhà đầu tư nước ngoài là gần 17.000 tỉ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, giá trị bán ròng của khối ngoại xấp xỉ 52.134 tỉ đồng, gấp đôi mức bán ròng của cả năm 2022.

Theo báo cáo chiến lược mới đây, SSI Research đánh giá, vượt qua các “cơn gió ngược”, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn mang nhiều gam màu sáng khi nối tiếp đà hồi phục từ tháng 11.2023 và tiếp tục bứt phá về điểm số. Dù đi qua nhịp điều chỉnh ngắn trong tháng 4 và tiếp tục giảm 1,3% trong tháng 6, chỉ số VN-Index vẫn tăng trưởng tích cực 10,2% từ đầu năm.

Sang đến tháng 7 là mùa công bố kết quả kinh doanh quý II, trong danh sách theo dõi của SSI Research, triển vọng tăng trưởng tích cực được ghi nhận ở nhiều mã ngân hàng lớn, nhóm thép, nhóm tiêu dùng thiết yếu và tiêu dùng không thiết yếu, nhóm cảng và vận tải biển.

Mặc dù giai đoạn vừa qua có một số nhóm cổ phiếu mạnh lên có thể đã phản ánh phần lớn triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của nhóm này, nhóm phân tích vẫn tin rằng tăng trưởng kết quả kinh doanh tích cực thay phiên nhau giữa các nhóm ngành và cổ phiếu vẫn sẽ tiếp tục là động lực của thị trường.

Xu hướng tăng trung hạn của chỉ số VN-Index vẫn giữ vững, do chưa xâm phạm ngưỡng hỗ trợ 1.195 - 1.205 điểm. Dự kiến, chỉ số VN-Index sẽ vận động ở phạm vi điểm số 1.220-1.295 điểm trong tháng 7.2024. Rủi ro với nhận định và xu hướng là khi chỉ số VN-Index đánh mất vùng 1.190 điểm.

Với các yếu tố tác động trái chiều, SSI tin rằng sự thận trọng quan sát trong giai đoạn này là cần thiết khi rủi ro thị trường chung đang gia tăng. Nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi vùng giá thật sự hấp dẫn, tập trung câu chuyện riêng của từng cổ phiếu để giải ngân mới; trong khi có thể tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu được kỳ vọng tăng trưởng mạnh.

Ở góc nhìn dòng tiền, cũng không loại trừ xu hướng tiếp tục xoay vòng và luân chuyển đến những nhóm được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách bao gồm: Bất động sản, bán lẻ, xuất khẩu. Một số nhóm có hiệu suất kém hơn mặt bằng chung trong nửa đầu 2024 cũng có thể được chú ý như dịch vụ tài chính.

6 nhóm cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng tốt 6 tháng cuối năm

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II được kỳ vọng sẽ mang lại sự sôi động cho thị trường chứng khoán. Giới phân tích dự đoán kịch bản thị trường chứng khoán tiếp tục xu hướng tăng trưởng.

Nhận định về cơ hội đầu tư 6 tháng cuối năm, ThS Nguyễn Trung Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ NTP - đưa ra 6 nhóm cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng tốt. Đầu tiên là ngành ngân hàng với tăng trưởng tín dụng là động lực chính. Áp lực nợ xấu hình thành có thể giảm trong năm 2024 nhờ gia hạn Thông tư 02. Nhưng sau đó các ngân hàng sẽ có xu hướng tăng cường trích lập để đảm bảo kiểm soát rủi ro nợ xấu khi tăng trưởng thu nhập ổn định trở lại.

Thứ hai là ngành chứng khoán sẽ xoay quanh 2 động lực chính là thanh khoản thị trường hồi phục trở lại và kỳ vọng nâng hạng thị trường giúp thu hút đầu tư ngoại. Áp lực bán ròng có thể sẽ giảm dần trong quý III rồi tăng nhẹ trở lại vào quý IV. Rủi ro sẽ là triển vọng KRX và nâng hạng thị trường không đúng kế hoạch, cũng như việc chậm tăng vốn của một số công ty chứng khoán sẽ làm cản trở tăng trưởng kế hoạch kinh doanh.

Thứ ba là ngành bất động sản đang được giao dịch tại mức P/B thấp nhất 5 năm do diễn biến tiêu cực của nhóm cổ phiếu lớn. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng các luật về bất động sản mới quy định bảng giá đất được xây dựng hàng năm sẽ làm tăng chi phí phát triển dự án.

Đồng thời giảm tỉ trọng đặt cọc (không quá 5% giá bán) và tỉ lệ thanh toán tối đa mua nhà hình thành trong tương lai sẽ khiến chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn.

Thứ tư là ngành logistic với nhóm cảng biển tích cực cả về sản lượng và giá cước dịch vụ. Nhóm vận tải biển hưởng lợi từ chiến tranh biển đỏ. Nhóm hàng không năm 2024 là năm cuối trong quá trình phục hồi hậu COVID-19.

Thứ năm là ngành bán lẻ tiêu dùng với bối cảnh vĩ mô tích cực sẽ là động lực thúc đẩy. Thêm vào đó còn là xu hướng tiêu dùng sản phẩm giá trị cao hơn và tín hiệu hồi phục từ doanh nghiệp đầu ngành. Cuối cùng là ngành thép với sản lượng tiêu thụ đang phục hồi, cộng với việc giá vật liệu đầu vào dần ổn định.

Đức Mạnh

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn