MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS. Jacques Morisset - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam. Ảnh: World Bank

World Bank: Chuyển đổi số nguồn lực mới cho Việt Nam

Mi Trần LDO | 15/02/2021 10:30
“Việt Nam có khả năng cao trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới”, TS. Jacques Morisset - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam - cho biết.

Nguồn sức mạnh mới

TS. Jacques Morisset cho rằng, Việt Nam đã được biết đến là một quốc gia sản xuất định hướng xuất khẩu. Riêng lĩnh vực kinh tế số của Việt Nam vẫn chưa được đánh giá cao do ít kết nối với phần còn lại của thế giới thông qua công nghệ số. Trước đây, công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam chưa hiệu quả, nhưng sau khi đại dịch COVID-19 diễn ra, 2/3 doanh nghiệp tại Việt Nam đã chuyển hướng sang áp dụng nền tảng số.

“Chuyển đổi số chính là nguồn sức mạnh mới của Việt Nam. Không chỉ lực lượng tư nhân mà cả Chính phủ cũng rất tích cực trong công cuộc chuyển đổi số. Điển hình là việc xây dựng và áp dụng chính phủ điện tử. Tuy còn rất nhiều việc phải làm nhưng những nỗ lực trong thời gian qua đã chứng minh sự thích ứng nhanh của Việt Nam trong bối cảnh mới” - TS. Jacques Morisset nói.

Nói về triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn hậu COVID-19, TS. Jacques Morisset cho biết: “Ngân hàng Thế giới đã đưa ra những dự báo tương đối lạc quan và tôi cho rằng, Việt Nam đang và sẽ làm rất tốt. Việt Nam có khả năng cao trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới nhờ những thành tựu đất nước đã đạt được trong thời gian qua.

Mặc dù tình hình hiện nay vẫn còn nhiều yếu tố bất định nhưng tôi tin rằng, sang năm 2021, Việt Nam sẽ tăng tốc mạnh mẽ hơn. Ngân hàng Thế giới kỳ vọng, với nhiều tín hiệu tích cực như việc nghiên cứu vaccine đã có bước tiến triển rõ rệt, các hoạt động thương mại đang dần trở lại, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6% vào năm 2021”.

Việt Nam tiếp tục kiểm soát thành công các đợt bùng phát dịch tại địa phương. Sự phục hồi kinh tế tiếp tục được củng cố trong tháng 10, trong đó, lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã đạt được tốc độ tăng trưởng gần bằng giai đoạn trước dịch COVID-19.

Cả hoạt động sản xuất công nghiệp và bán lẻ đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ năm trước trong tháng 10 kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 vào tháng 2. Chỉ số sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ hàng hóa lần lượt tăng 6,6% và 6,7%, so với cùng kỳ năm trước. Hóa chất và dược phẩm, máy tính, sản phẩm điện tử và quang học, than cốc và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế, sản xuất kim loại, thiết bị và đồ nội thất, sản xuất và chế biến thực phẩm là những lĩnh vực đóng góp chính vào tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Việt Nam ở mức 51,8 trong tháng 10. Chỉ số này đo lường hiệu quả hoạt động của lĩnh vực sản xuất công nghiệp và được lấy từ cuộc khảo sát 400 doanh nghiệp công nghiệp, trong đó chỉ số trên 50 cho thấy sự mở rộng của lĩnh vực này.

Doanh số bán lẻ chủ yếu tăng do nhu cầu trong nước, trong khi lĩnh vực du lịch và lữ hành chưa có dấu hiệu phục hồi. Doanh số bán lẻ hàng hóa 10 tháng đầu năm 2020 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 9,4%; đồ dùng, dụng cụ và thiết bị gia đình tăng 6,3%; và quần áo tăng 1,6%. Mặt khác, lượng khách du lịch nội địa và quốc tế giảm lần lượt 30% và 80% trong 10 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. Du lịch quốc tế vẫn còn chịu nhiều hạn chế, làm lượng khách du lịch nước ngoài giảm 73,8% trong 10 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2019.

Theo đại diện World Bank, Việt Nam đã nắm bắt tốt cơ hội từ cuộc khủng hoảng. Điển hình như việc thương mại toàn cầu năm nay đang chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng nhưng Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu ấn tượng về xuất khẩu.

Việt Nam cần tập trung vào công nghệ và bảo vệ môi trường

TS. Jacques Morisset cho hay: “Chính phủ Việt Nam đang xây dựng tầm nhìn phát triển theo hướng bền vững thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10, 20 năm tới, tập trung vào công nghệ và bảo vệ môi trường. Tôi cũng cho rằng, Việt Nam có đủ nguồn lực nhưng điều đang thiếu chính là quyết tâm và động lực để thực hiện”.

Để khuyến khích thay đổi hành vi của người dân trong bảo vệ môi trường, cần quan tâm đến yếu tố giá. Ví dụ, người dùng lãng phí nước một phần bởi vì giá nước vẫn đang còn rất rẻ. Hoặc như giá điện hiện nay cũng đang được trợ giá từ Chính phủ. Bởi vì giá điện đang quá rẻ nên người ta sẽ không còn e ngại việc lãng phí nguồn năng lượng nữa. Có thể ban hành các luật pháp liên quan đến bảo vệ môi trường, áp phí đối với các mặt hàng có hại cho môi trường.

“Những kết quả vừa qua của Việt Nam thực sự rất đáng tự hào. Bản thân tôi không phải là người Việt, nhưng tôi vẫn cảm thấy tự hào. Chính phủ đã làm rất tốt và tôi tin rằng họ cũng sẽ làm được như vậy đối với môi trường” - TS. Jacques Morisset nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn