MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Viễn cảnh kinh tế Việt Nam trước mắt và trung hạn cho nhiều tín hiệu lạc quan dù ảnh hưởng của COVID-19. Ảnh: Ngọc Hân

World Bank dự báo kinh tế Việt Nam vẫn ổn định trong trung hạn dù COVID-19

Vũ Long LDO | 30/07/2020 17:35

Ngân hàng Thế giới đánh giá: Mặc dù chịu ảnh hưởng của COVID-19 trong nửa đầu năm 2020, vẫn giữ được viễn cảnh tích cực trước mắt và trong trung hạn. 

Việt Nam tiếp tục đương đầu với rủi ro  mới

Chiều 30.7.2020, tại buổi công bố Báo cáo điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam với tiêu đề “Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của COVID-19”, bà Stefanie Stallmeister - Quyền giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhấn mạnh:

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 khi chưa có vaccine. Cũng như nhiều quốc gia khác, rủi ro đối với Việt Nam không chỉ ở mặt trận y tế mà còn ở mặt trận kinh tế. COVID-19 đến nay đã được coi là cú sốc kinh tế lớn nhất trong vòng 35 năm qua.

Mặc dù vẫn đứng vững trong vòng nửa đầu của năm 2020,  nhưng nền kinh tế chỉ tăng trưởng được 1,8% tương đương với giảm 5 điểm phần trăm so với quỹ đạo tăng trưởng trước đó của quốc gia. Chính phủ ước tính có khoảng 30 triệu người lao động tương đương với 1 nửa lực lượng lao động đã có lúc bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch. Trong số đó có khoảng 8 triệu người đã bị mất việc làm.

Cũng theo WB, mặc dù giãn cách xã hội được nới lỏng từ tháng 4, nhưng một số ngành khác như du lịch, hàng không, chế biến xuất khẩu… vẫn bị ảnh hưởng.

Bà Stefanie Stallmeister đưa ra khuyến nghị: Việt Nam không nên tư duy trở lại trạng thái bình thường như cũ, mà thay vào đó nên xác định xem trạng thái bình thường mới ra sao khi đại dịch làm thay đổi cách thức mọi người sinh sống, làm việc và giao tiếp với nhau.

Việt Nam sẽ phải vận động trong một trạng thái bất định cả ở trong nước và thế giới trong thời gian tới. Chính vì vậy, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải tìm những hướng mới cho động lực tăng trưởng truyền thống của quốc gia, gồm cả sức cầu ở nước ngoài và tiêu dùng trong nước đang bị yếu đi. Trên quan điểm đó, Chính phủ sẽ phải chuyển đổi cách tiếp cận theo hướng thích hợp: Thận trọng mở cửa biên giới; triển khai gói kích thích tài khóa; hỗ trợ đúng đối tượng cho những doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất trong xã hội.

“Chúng ta cần nhớ rằng, COVID-19 đã tác động đến hầu hết mọi người nhưng không phải ai cũng bị tác động như nhau, vì thế tình trạng bất bình đẳng mới sẽ nảy sinh và điều này đòi hỏi sự quan tâm của Chính phủ”- Bà Stefanie Stallmeister nói.

WB dự báo, mặc dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19, kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan trong trung hạn. Ảnh: Trung Nam

Dự báo Việt Nam giữ mức tăng trưởng dương trong năm 2020

Theo đánh giá của WB, mặc dù chịu ảnh hưởng của COVID-19 trong nửa đầu năm 2020, vẫn giữ được viễn cảnh tích cực trước mắt và trong trung hạn.

Trong trường hợp tình hình thế giới được từng bước cải thiện, các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối của năm 2020 khiến cho nền kinh tế sẽ đạt tăng trưởng khoảng 2,8% cho cả năm nay và 6,8% trong năm 2021.

Nếu tình hình bên ngoài kém thuận lợi hơn, nền kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021.

“Thách thức lớn của Việt Nam là phải tìm ra những động lực tăng trưởng mới để củng cố quá trình hồi phục. Động lực tăng trưởng truyền thống của quốc gia – sức cầu từ nước ngoài và tiêu dùng trong nước – khó có thể sớm quay lại như trước khủng hoảng, vì vẫn còn nhiều yếu tố bất định cả trong nước và bên ngoài" - bà Stefanie Stallmeister  nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn