MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Họp báo của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam. Ảnh Phạm Hiếu

World Bank hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống 6,5%

Lan Hương LDO | 02/07/2019 14:13

Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ giảm xuống mức 6,6% năm 2019 và đạt 6,5% trong hai năm tới. “Đà tăng trưởng của Việt Nam chậm lại kể từ đầu năm, nhưng triển vọng vẫn tích cực”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của World Bank tại Việt Nam nhận định.

Trong Báo cáo bán thường niên "Điểm lại", cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2019, nguyên nhân tăng trưởng gần đây giảm tốc là do tác động dội của những yếu tố bất lợi bên ngoài đối với các ngành kinh tế quan trọng.

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát và giá cả quốc tế suy giảm gây ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp. Đồng thời, sức cầu bên ngoài yếu đi làm tăng trưởng chững lại ở các ngành  chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu.

Mặc dù có những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng chững lại theo chu kỳ, báo cáo nhận định rằng triển vọng của Việt Nam vẫn tích cực.

Tăng trưởng GDP trong năm 2019 theo giá so sánh được dự báo sẽ giảm còn 6,6%, do sức cầu bên ngoài yếu đi và do chính sách tài khóa và tín dụng tiếp tục bị thắt chặt. Chỉ số lạm phát dự kiến vẫn được duy trì dưới chỉ tiêu lạm phát chính thức là 4%.

“Đà tăng trưởng của Việt Nam chậm lại kể từ đầu năm, nhưng triển vọng vẫn tích cực”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của World Bank tại Việt Nam nhận định. Ảnh Phạm Hiếu

Rủi ro tiếp tục gia tăng, do tình trạng bất định toàn cầu tăng lên với khi căng thẳng thương mại tái leo thang và biến động tài chính nhiều hơn.

Rủi ro bên ngoài còn trở nên phức tạp hơn khi kết hợp với những nguy cơ dễ tổn thương trong nước, bao gồm chậm trễ trong quá trình củng cố tình hình tài khóa, cải cách doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng, gây ảnh hưởng đến cảm nhận của nhà đầu tư và viễn cảnh tăng trưởng.

“Việt Nam cần chuẩn bị điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô trong trường hợp rủi ro nêu trên trở thành hiện thực, dẫn đến suy giảm sâu hơn so với dự kiến. Việt Nam cũng sẽ phải tiếp tục tăng cường chiều sâu cải cách cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu, tăng cường chiều sâu hội nhập thương mại thông qua các hiệp định khu vực và đa phương”, ông Ousmane Dione nói.

Bình luận về việc Việt Nam và EU vừa chính thức kí Hiệp định thương mại tự do (EVFTA), ông Ousmane Dione cho rằng đây là một bước ngoặt có tính chất lịch sử, với tầm ảnh hưởng vượt ra ngoài cả Việt Nam và EU trong bối cảnh một số nền kinh tế lớn của thế giới đang đứng giữa làn sóng bảo hộ thương mại và khái niệm tự do hóa thương mại bị đặt một dấu hỏi lớn.

Với EVFTA, Việt Nam trở thành quốc gia ASEAN thứ hai ký kết một hiệp định thương mại sâu rộng với EU. Mức độ mở cửa thị trường của EVFTA cao nhất từ trước đến nay. Đây cũng được xem là cơ hội "kép" cho kinh tế Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn