MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Hoàng Thị Hằng và sản phẩm "xà bông trái nhãn" đặc sản Sóc Trăng.

“Xà bông trái nhãn” - trăn trở của cô gái Miền Trung với nông dân Sóc Trăng

HỒ THẢO LDO | 09/05/2022 16:31

Từ miền Trung theo chồng về miền Tây, trăn trở với cảnh “được mùa, mất giá” của nông dân Sóc Trăng, cô gái đã tự mày mò nghiên cứu thành công sản phẩm vừa thân thiện môi trường, vừa góp phần nâng cao giá trị nông sản địa phương...

Trăn trở “được mùa, mất giá”

Sinh ra tại Miền Trung xa xôi, chị Hoàng Thị Hằng theo chồng vào miền Tây sinh sống. Ở nơi có cây trái trù phú quanh năm, nhưng thường xuyên chứng kiến cảnh "được mùa mất giá" của người nông dân, trong đó trái nhãn là một trong những đặc sản gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ. Vì lẽ đó, chị Hằng cứ trăn trở, muốn tạo ra một sản phẩm gì đó góp phần nâng cao giá trị của trái nhãn. 

Chị Hằng chia sẻ, quyển sách gối đầu của chị là quyển “Các nền văn minh cổ đại” của nhà xuất bản Kim Đồng. Những ghi chép mà chị đọc được cho thấy, từ xa xưa con người đã biết tạo ra những sản phẩm để sinh hoạt hàng ngày từ trái cây, tương tự như mỹ phẩm ngày nay. Thế là chị tự mày mò và không ít lần thất bại, cuối cùng chị cũng thành công cho ra sản phẩm với tên gọi “xà bông trái nhãn”.

“Những sản phẩm đầu tiên làm ra, tôi và người thân sử dụng, sau đó tặng bạn bè dùng thử. Sau khi nhận được phản hồi tích cực, nên đã đầu tư làm ra nhiều sản phẩm phục vụ cho bà con gần xa có nhu cầu” - chị Hằng nói. 

Sản phẩm  xà bông trái nhãn thân thiện môi trường không dùng chất bảo quản

Theo chị Hằng, việc làm xà bông từ trái nhãn tuy không quá phức tạp nhưng cũng đòi hỏi sự chính xác và tỉ mỉ. Với các nguyên liệu đơn giản như trái nhãn, cùng sữa tươi, bột nghệ, sáp mật ong… sau đó ép nhãn lấy nước, xay thành bột rồi phối trộn nguyên liệu và đổ vào khuôn. Trung bình mỗi ký nhãn có thể làm ra từ 10 - 13 bánh xà bông loại 100 gram, tùy thuộc vào nguồn nguyên liệu và quá trình sơ chế.

"Quá trình làm sản phẩm ban đầu cũng gặp không ít khó khăn vì không biết làm sao cho xà bông có thể đông cứng lại được như xà bông công nghiệp đang bán trên thị trường. Nhờ tìm đọc thêm tài liệu và sách báo nên tôi đã học được kinh nghiệm làm cục xà bông đảm bảo độ cứng mà vẫn giữ nguyên những nguyên liệu trong đó. Ví dụ như mình cầm cục xà bông lên vẫn ngửi thấy mùi của trái nhãn chứ không phải là những hương liệu công nghiệp khác” - chị Hằng chia sẻ.

“Truyền nghề” cho nông dân

Hiện tại, một bánh xà bông trái nhãn của chị Hằng loại 100 gram có giá bán dao động khoảng 75.000 đồng. Sản phẩm đang được tiêu thụ ở các tỉnh, thành theo hình thức bán hàng online, các điểm bán sỉ và lẻ... Ngoài ra chị còn cung cấp cho một số khách sạn trong và ngoài tỉnh.

“Trong giai đoạn đầu sản phẩm chỉ sản xuất theo hình thức thủ công nhỏ lẻ thôi nhưng mình cũng mong muốn mở rộng thêm cũng như chỉ dạy nghề này cho cho những hộ trồng nhãn. Nếu như gặp khó khăn về tiêu thụ nhãn tươi thì bà con có thể tự làm xà bông bán dần vì hạn sử dụng của xà bông là khoảng 12 tháng" - chị Hằng nói và cho biết, hướng sắp tới sẽ đầu tư các loại máy hỗ trợ để quá trình sản xuất được nhanh hơn và làm ra được nhiều sản phẩm hơn.

Bà Quách Thanh Thủy - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 7, TP. Sóc Trăng - cho biết: "Hiện tại, ngoài sản phẩm xà bông trái nhãn là sáng tạo mới nhất, thời gian qua cơ sở sản xuất của tổ hợp tác do chị Hằng đại diện cũng đã cho ra mắt các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên như trà khổ qua, đậu bắp; muối tắm khổ qua,... Các sản phẩm đều đã được qua kiểm định và được bình chọn là sản phẩm OCOP của tỉnh. Ngoài ra, bằng hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng online chị Hằng cũng tạo thêm việc làm cho nhiều chị em trong tỉnh”. Theo bà Thủy, ý tưởng dạy nghề cho nông dân cách làm xà phòng bằng nông sản của chị Hằng rất thiết thực và được địa phương đánh giá cao.

"Xà bông trái nhãn" của chị Hằng đạt giải khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng lần thứ XII năm 2020 - 2021.

Ông Hứa Chu Khem - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng - thông tin thêm: Sản phẩm "xà bông trái nhãn" của chị Hằng đã đạt giải khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng lần thứ XII năm 2020 - 2021. Theo ông Khem, hạt nhãn khô tán ra cũng có một số công dụng trong Đông y, dùng để thoa ngoài da. Tuy nhiên, sản phẩm này được đánh giá cao ở điểm không sử dụng hóa chất để bảo quản, thân thiện môi trường, mùi nhãn đặc trưng và quan trọng là góp phần nâng cao giá trị cũng như làm dồi  dào sản phẩm từ nông sản của địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn