MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá xăng đã tăng lần thứ 5 liên tiếp.

Xăng dầu rất thiết yếu, không có lý do gì để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt

Nhóm PV LDO | 25/05/2022 10:22

Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Bởi, xăng dầu không còn là mặt hàng đặc biệt nữa, mà là mặt hàng rất cần thiết. Không có lý do gì chúng ta đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu.

Không kiểm soát được giá xăng dầu có thể dẫn tới "domino giá" các mặt hàng khác

Thảo luận tại tổ sáng 25.5 về đánh giá kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) cho rằng, đầu năm nay, do chính sách kích thích kinh tế của các nước, lạm phát có dấu hiệu gia tăng.

Bên cạnh đó, những vấn đề về khủng hoảng năng lượng, lương thực, nhân đạo, đói nghèo... cũng trở thành những nội dung rất lớn trên những diễn đàn kinh tế của thế giới.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) đã đưa ra cảnh báo về việc nhiều quốc gia trên thế giới buộc phải điều chỉnh các chỉ số tăng trưởng. Hầu hết các quốc gia đều cắt giảm các chỉ số tăng trưởng từ 1-15%.

Riêng Việt Nam, IMF đưa ra dự báo mức 6% tăng trưởng GDP trong năm 2022 và năm 2023 tăng trưởng 7%. Đây là một tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên các dự báo này sẽ được cập nhật và điều chỉnh theo thực tế.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Quochoi

Đại biểu đoàn TPHCM cũng lưu tâm tới vấn đề lạm phát khi giá nguyên vật liệu đầu vào đã tăng rất cao trong thời gian qua.

Ông cho rằng, Việt Nam đã trải qua nhiều đợt lạm phát. Đợt nặng nề nhất là từ sau khi đổi mới năm 1986 và đợt gần nhất là lạm phát do suy thoái kinh tế năm 2008. Chỉ số lạm phát lúc đó lên tới 23%. Chỉ số lạm phát vào năm 2011 cũng lên 2 con số. Khi đó, tất cả các chi phí giá cả, hàng hoá đều tăng lên và đời sống của người dân vô cùng khó khăn.

“Thời điểm đó, chúng ta buộc phải dùng “thuốc liều cao” để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội” - đại biểu Ngân nói và cho rằng với tình hình giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, các cơ quan cần có tiếng nói để nhanh chóng kiểm soát giá xăng dầu, không để giá xăng dầu tăng lên quá cao.

“Chúng ta chấp nhận theo cơ chế thị trường, nhưng chúng ta có những công cụ kiểm soát. Công cụ là gì, đó là thuế bảo vệ môi trường, đã giảm 50%, sắp tới có thể đề xuất giảm tiếp.

Cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Xăng dầu không còn là mặt hàng đặc biệt nữa, mà là mặt hàng rất cần thiết. Không có lý do gì chúng ta đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu” - đại biểu Ngân nói, đồng thời cho biết, trong kỳ họp này, Đại biểu Quốc hội nên đưa vấn đề này, để Quốc hội xem xét.

Đại biểu giải thích thêm, nếu không kiểm soát được giá xăng dầu có thể dẫn tới "hiệu ứng domino" trong giá cả các loại mặt hàng khác. Trong khi đó, người dân trong 2 năm vừa qua đã gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Do vậy, trong cơn “bão giá” này chúng ta phải kiểm soát.

Thực hiện các chính sách đủ mạnh để loại bỏ tác động của giá cả tăng đột biến

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Bắc Ninh) cũng cho rằng, thời gian vừa qua, giá các mặt hàng như xăng dầu, sắt, thép, xi măng, thực phẩm tăng cao - đã tác động trực tiếp đến người dân.

Trong "rổ hàng hoá" lớn như vậy, nhóm hàng hoá thiết yếu đã phản ánh về tốc độ lạm phát và mặt bằng giá của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.

Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu quan trọng như CPI, chỉ số giá nguyên nhiên liệu cho sản xuất ở Việt Nam trong khu vực công nghiệp cũng tăng rất rõ, điều này ảnh hưởng đến chi phí đầu vào, chi phí sản xuất hàng hoá, dẫn đến giá bán tăng lên, gây áp lực giá tiêu dùng cho người dân.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo. Ảnh: Quochoi

“Tôi cho rằng, cần phải đặt ra những biện pháp can thiệp kịp thời, thực hiện các chính sách đủ mạnh để loại bỏ tác động của giá cả tăng đột biến, đặc biệt là đối với nhóm hàng hoá dễ bị tổn thương.

Kiểm soát tốt nguồn cung cho các hoạt động sản xuất - tiêu dùng để vừa giảm áp lực lạm phát vừa giảm các chi phí trong kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, khơi thông nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu và tháo gỡ những khó khăn về logistics”.

Còn Đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn Hải Phòng) bày tỏ sự tán thành về báo cáo bổ sung kết quả kết thực hiện phát triển kinh tế xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Bên cạnh đó, trong báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ 10 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm trong phục hồi và phát triển kinh tế.

Trong phần đánh giá của Chính phủ có nêu ra tác động của việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Tân đề nghị Chính phủ làm rõ hơn tác động này đối với hoạt động kinh tế trong nước, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp.

Đồng thời đề xuất các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài cho những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động tiêu cực của chuỗi cung ứng. Bởi trong đánh giá của nước ta có đặt vấn đề nền kinh tế có độ mở lớn, đặc biệt là Trung Quốc vẫn duy trì chính sách zero COVID. Việc này có tác động lớn đến vấn đề việc làm, lao động của doanh nghiệp cũng như giá cả liên quan đến chuỗi cung ứng

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn