MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xăng dầu tăng giá điên đảo, Chính phủ muốn làm rõ vai trò của Quỹ bình ổn

Cường Ngô LDO | 14/03/2022 11:12
Chính phủ giao Bộ Công Thương làm rõ vai trò, sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đề xuất việc sửa đổi nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành theo cơ chế thị trường.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.2022.

Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương rà soát, làm rõ vai trò, sự cần thiết của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu;

Kịp thời báo cáo, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cấp phép, điều hành cung ứng xăng dầu theo cơ chế thị trường, bảo đảm sản lượng sản xuất trong nước và nhập khẩu đáp ứng nhu cầu thực tế tiêu thụ.

Tăng cường quản lý thị trường, chủ động phương án điều tiết nguồn cung, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa; tập trung kiểm tra giám sát, quản lý các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, cơ sở bán lẻ xăng dầu.

Chính phủ đề nghị làm rõ vai trò và sự cần thiết của Quỹ bình ổn xăng dầu. Ảnh: Hải Nguyễn 

Trao đổi với Lao Động, một thương nhân phân phối xăng dầu (đề nghị giấu tên) cho biết, theo quy định, mỗi lít xăng dầu trước khi bán ra thị trường được trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng. Việc trích lập quỹ thế này đang khiến người tiêu dùng thiệt thòi. Bởi bản chất của quỹ này chính là một khoản thu trước của người dân và doanh nghiệp.

Việc quản lý quỹ được thực hiện tại các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, khi đó các doanh nghiệp đầu mối có thị phần lớn sẽ có quỹ rất lớn, những doanh nghiệp có thị phần thấp thì số dư quỹ thường nhỏ. 

Điều này sẽ dẫn đến việc khi thực hiện xả quỹ lớn - có thể dẫn đến các doanh nghiệp đầu mối có mức quỹ thấp sẽ âm quỹ và phải sử dụng tạm thời nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp, hoặc vay ngân hàng thương mại để bù quỹ, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Trường hợp giá xăng dầu ổn định trong nhiều năm, vai trò của quỹ cũng tương tự một quỹ dự trữ từ nguồn đóng góp của người dân. Việc thu trước của người tiêu dùng 300 đồng/lít để tạo quỹ là nguyên nhân gây ra lạm phát thực tế và định kỳ điều chỉnh giá là nguyên nhân gây ra lạm phát kỳ vọng.

"Xuất phát từ góc độ của người tiêu dùng, người tiêu dùng phải ứng tiền ra trước cho doanh nghiệp, rồi sau đó bù lại cho người tiêu dùng thì hỏi rằng có lợi ở đâu. 

Quỹ bình ổn xăng dầu dương có nghĩa là đã thu trước tiền của dân. Nhưng lúc nào quỹ âm (tiền của doanh nghiệp) thì họ than vãn. Điều này rất dễ xảy ra tình trạng hỗn loạn thị trường, không có xăng dầu để bán", thương nhân này nói.

"Đối với những doanh nghiệp phân phối xăng dầu như chúng tôi không thể phán đoán được doanh nghiệp đầu mối sẽ sử dụng quỹ như thế nào, doanh nghiệp trung gian không dám mua.

Ví dụ hôm nay, chúng tôi mua vào, nhưng ngày mai doanh nghiệp đầu mối lại sử dụng quỹ thì chúng tôi chết", thương nhân này cho hay, đồng thời cho biết, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay chưa đảm bảo tính minh bạch, công khai, dẫn đến có sự phản ứng rất lớn của người dân trong công tác điều hành giá và thực hiện bình ổn giá xăng dầu. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn