MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương ký kết phối hợp trong triển khai chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới. Ảnh: PV

Xây dựng chương trình OCOP theo hướng kinh tế tuần hoàn

NGUYÊN ANH LDO | 27/04/2021 18:02
Trong giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến tổng kinh phí thực hiện chương trình OCOP (chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị) khoảng 57.000 tỉ đồng. Trong đó, chương trình phấn đấu có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên.

Ngày 27.4, gần 400 đại biểu cả nước tập trung về TP.Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) để tham dự hội thảo góp ý xây dựng khung chương trình và giải pháp thúc đẩy chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, thời gian qua, chương trình OCOP đã góp phần từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ; góp phần tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, phát huy vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số.

Những ý kiến góp ý tại hội thảo lần này giúp bộ hoàn thiện nội dung khung chương trình và giải pháp phát triển sản phẩm OCOP trong giai đoạn 2021-2025.

Trong giai đoạn 2018-2020, cả nước có 4.733 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các cơ quan Trung ương, địa phương tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại kết nối cung cầu, phát triển mạng lưới bán hàng các sản phẩm OCOP.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến tổng kinh phí thực hiện chương trình OCOP khoảng 57.000 tỉ đồng. Trong đó, chương trình phấn đấu có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, có ít nhất 50% làng nghề nông thôn có sản phẩm OCOP góp phần bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống của các địa phương; tỉ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 30%...

Dựa trên các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay, bộ sẽ tiếp thu và xây dựng đề án để sớm trình Chính phủ. Trong đó, khẳng định đề án giai đoạn 2021-2025 khác với đề án 2018-2020, tập trung vào nâng cao chất lượng của chương trình OCOP chứ không phải quay lại như lúc đầu và phải đảm bảo được nhiều nội dung hôm nay đại biểu đã đóng góp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn