MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghề muối Bạc Liêu đã hình thành trên 100 năm nhưng diêm dân vẫn khó khăn. Ảnh: Nhật Hồ

Xây dựng hạ tầng và thương hiệu muối Bạc Liêu

Nhật Hồ LDO | 25/09/2023 08:12

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho rằng, cùng với con tôm, cây lúa, nghề làm muối và giá trị hạt muối cũng là một thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp của Bạc Liêu. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận một thực tế là lâu nay nghề làm muối, người làm muối chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của địa phương.

Nghề muối đang bị bỏ quên

Với 56km bờ biển, thời tiết 2 mùa mưa - nắng rõ rệt, thuận lợi cho nghề làm muối tỉnh Bạc Liêu phát triển.

Nghề làm muối có từ lâu đời hơn 100 năm, đã đi sâu vào lịch sử, tâm linh, văn hóa của người làm muối Bạc Liêu. Nghề làm muối tỉnh Bạc Liêu đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 10 sản phẩm từ muối được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 đến 4 sao. Tuy vậy, diêm dân tỉnh Bạc Liêu vẫn còn khó khăn, luôn đối mặt với câu chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa..

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhìn nhận: hạ tầng nghề muối ngày một xuống cấp, giá cả hạt muối bấp bênh, đời sống diêm dân chịu cảnh thiếu trước hụt sau. Do đó, việc quan tâm xây dựng hạ tầng phục vụ nghề muối là rất cấp thiết. Qua đó, giúp xây dựng thương hiệu hạt muối Bạc Liêu thông qua các sản phẩm chế biến muối chuyên sâu với bao bì, mẫu mã phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Tại buổi làm việc với tỉnh Bạc Liêu gần đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ NNPTNT tổng rà soát diện tích sản xuất muối của cả nước để đảm bảo nhu cầu muối đến năm 2030 khoảng 2 triệu tấn, cả muối công nghiệp và muối thực phẩm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch muối đến năm 2030 đạt khoảng hơn 14.000ha.

Tuy nhiên theo báo cáo của các địa phương, diện tích muối hiện chỉ còn hơn 8.000ha.

Sẽ có festival muối

Tháng 3.2023 Bộ NNPTNT phê duyệt dự án muối Đông Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Theo đó, Bộ NNPTNT sẽ hỗ trợ đầu tư vốn, hạ tầng, địa phương sẽ thúc đẩy các hoạt động cho 1.300ha sản xuất muối. Tổng nguồn vốn đầu tư cho dự án này lên đến 130 tỉ đồng.

Theo TS Ngô Kiều Oanh, chuyên gia về hạt muối, ngành muối Bạc Liêu chưa phát huy hết giá trị là do người dân chưa thật sự hiểu hết giá trị của hạt muối mình làm ra, đó chính là giá trị muối trên nền đất phù sa. Muối Bạc Liêu ngon vì có 2 dòng khoáng (dòng khoáng từ biển và dòng khoáng từ phù sa) mà không tỉnh nào trên cả nước có được, vì khoáng chất trong phù sa rất quý. Muối được canh tác thủ công trên nền đất phù sa sẽ chứa nhiều dinh dưỡng, khoáng chất cao, giá trị hạt muối từ đó sẽ cao lên.

Nhiều giải pháp nhằm phát huy giá trị hạt muối được các chuyên gia hàng đầu của Bộ NNPTNT đưa ra như: đầu tư hệ thống kho lưu trữ muối di động; hoàn thành việc quy hoạch phát triển nghề muối; thành lập Hiệp hội Nghề muối của tỉnh mà hạt nhân là các hợp tác xã; hình thành chuỗi logistics để phát triển nghề muối... Đặc biệt là phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm nghề làm muối...

Chủ tịch Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đề nghị tổ chức festival riêng cho ngành muối vào năm 2024. Đề xuất này đã được Bộ NNPTNT chấp thuận. Dự kiến trung tuần tháng 4.2024, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với Bạc Liêu và các tỉnh, thành có nghề muối truyền thống tổ chức festival để quảng bá, liên kết phát triển nghề muối, thông qua đó tạo điều kiện để tiếp cận các nhà đầu tư, đầu mối tiêu thụ, chế biến, nâng cao giá trị hạt muối.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn