MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều vùng chè của Tân Cương (Thái Nguyên) hướng tới cấp mã số vùng trồng để tăng cơ hội xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Tùng

Xây dựng mã số vùng trồng, tăng cơ hội xuất ngoại cho nông sản

Nguyễn Tùng LDO | 15/05/2023 15:09

Thái Nguyên - Xây dựng mã số vùng trồng không chỉ giúp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn mà còn tăng cơ hội đưa nông sản đến với những thị trường khó tính, việc này đang được nhiều địa phương triển khai.

Hợp tác xã (HTX) trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên (xã Tân Cương, TP Thái Nguyên) là một trong những đơn vị đầu tiên xây dựng mã số vùng trồng ở tỉnh Thái Nguyên. Hiện đơn vị này có 2 ha chè đã được cấp chứng nhận mã số vùng trồng.

“Cây chè được trồng đúng kỹ thuật, hàng ra hàng, cây cách cây để được hưởng đủ ánh sáng. Việc chăm bón, cắt tỉa rồi dùng thuốc bảo vệ thực vật cũng được ghi nhật ký, các xã viên rất hào hứng tham gia quy trình này” - bà Phạm Thị Yên - HTX trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên chia sẻ.

Nhưng cái lợi lớn nhất đối với nông sản được cấp mã số vùng trồng là nâng cao độ uy tín với khách hàng, từ đó tăng cơ hội đưa sản phẩm ra nước ngoài đến với những thị trường khó tính.

Từ khi thực hiện mã số vùng trồng, sản phẩm chè của HTX Tâm Trà Thái được nhiều hơn khách hàng tìm đến. Hiện nay HTX đang kết hợp với khách hàng Đài Loan đặt hàng theo hồ sơ mã số vùng trồng.

Chị Hoàng Thị Tân - Giám đốc HTX Tâm trà Thái cho hay: "Có mã số vùng trồng rồi, việc quảng bá sản phẩm dễ dàng hơn. Chất lượng và nguồn gốc nên dù ở nơi xa đến đâu khách hàng cũng dễ dàng truy xuất tìm đến".

Được triển khai từ năm 2022, đến nay tỉnh Thái Nguyên đã có 36 vùng được gắn mã số vùng trồng, với tổng diện tích gần 290 ha. Ảnh: Nguyễn Tùng

Ông Nguyễn Tá - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên cho biết, người nông dân chưa được đón nhận ngay, nhưng sau khi được tập huấn, bà con thấy được mã số vùng trồng sẽ như vé đưa hàng hóa đi nước ngoài nên tích cực đăng ký.

"Quan trọng hơn cả là tư duy sản xuất nông nghiệp thay đổi, quản lý vật tư đầu vào phải nằm trong danh mục và khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Khi có mã số, họ đã biết được thời điểm thu hái sản phẩm là mốc an toàn cho sản phẩm” - ông Tá thông tin.

Tại tỉnh Tuyên Quang, đến cuối năm 2022, địa phương này đã cấp được 10 mã vùng trồng như Chè Mỹ Lâm được cấp 4 mã với tổng 43,6 ha chè, Chè Sông Lô được cấp 3 mã với tổng 53,4 ha chè, bưởi Soi Hà được cấp mã với 10 ha...

Người trồng bưởi Soi Hà (Yên Sơn, Tuyên Quang) tự ủ phân hữu cơ để bón cho cây, đảm bảo quy trình sạch. Ảnh: Nguyễn Tùng

Sản phẩm lạc Phúc Sơn (Lâm Bình) nhiều năm nay đã có thương hiệu và chủ yếu được bán sang thị trường Trung Quốc. Hiện thị trường này đang đưa ra một số quy định về nhập khẩu nông sản, trong đó có việc truy xuất mã vùng trồng.

Ông Vi Văn Sự - Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho hay, trong năm 2023 này, xã đang khẩn trương chuẩn bị hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng lạc với 10 ha. Quy trình trồng, chăm sóc lạc theo tiêu chuẩn an toàn phục vụ cho xuất khẩu cũng được tập huấn cho bà con.

Theo ông Trần Hải Tuyên - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang, để được cấp mã vùng trồng thì người dân, HTX, doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định về diện tích canh tác tối thiểu phải là 10 ha.

Đặc biệt phải hực hiện các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của nước nhập khẩu. Có nhật ký canh tác ghi chép chi tiết các hoạt động tác động lên cây trồng và áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP).

Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt, cơ sở sản xuất để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng.

Đồng thời bảo đảm nông sản, sản phẩm lưu thông trên thị trường đúng nguồn gốc tại vùng trồng, cơ sở sản xuất, tránh tình trạng sản phẩm được sản xuất tại nơi khác trà trộn với sản phẩm vùng trồng đã được cấp mã số.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn