MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xây dựng nông thôn mới không chỉ là xây cầu, đường, trường, trạm. Ảnh: Vũ Long

Xây dựng nông thôn mới không chỉ là xây “cầu, đường, trường, trạm”

Vũ Long LDO | 15/10/2023 15:50

Xây dựng nông thôn mới là chương trình đa mục tiêu hướng đến xây dựng cuộc sống nông thôn chất lượng cao, chú trọng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.

Nhiều kết quả sau 2 năm triển khai chương trình giai đoạn 2021-2025

Theo đánh giá chung, sau 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Ông Nguyễn Văn Vọng – Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới (NTM) tỉnh Quảng Ninh cho biết, đến nay, Quảng Ninh đã cơ bản đạt 8/8 nội dung theo bộ tiêu chí quốc gia tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Quảng Ninh đang lập hồ sơ đề nghị xét công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng NTM năm 2022.

Trong năm 2023, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu có thêm 2 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, là Vân Đồn và Hải Hà; 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao gồm Quảng La và Sông Khoai; 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu: Hồng Thái Tây và Quảng Minh.

Cuộc sống yên bình của người dân nông thôn. Ảnh: Vũ Long

Ông Vọng cũng nhấn mạnh, mục tiêu đến năm 2025, Quảng Ninh có 58/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 32/98 xã NTM kiểu mẫu; 5/7 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí chỉ tiêu, tập trung phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập của người dân nông thôn năm 2025 cao gấp 2 lần năm 2020.

Theo ông Phan Văn Sinh - Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2021-2025, kế hoạch vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM được giao trên 1.000 tỉ đồng, riêng năm 2023 hơn 300 tỉ đồng. Tính đến giữa tháng 9.2023, tỉnh đã giải ngân nguồn vốn năm 2022-2023 trên 156 tỉ đồng, đạt 31,2%.

Đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông có 36/60 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 100% các xã đạt tiêu chí về thủy lợi, điện; 58/60 xã đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn…;

Xây dựng nông thôn mới không chỉ là xây "cầu, đường, trường, trạm"

Theo Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua chủ trương tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28.7.2021 và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tại Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22.2.2022.

Mục tiêu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí. Phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao, huyện NTM kiểu mẫu…

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Lê Minh Hoan, xây dựng NTM là một cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức và mục tiêu, tiến tới giải pháp khắc phục sự xung đột trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn. Ở đó, người dân nông thôn phải nhận thức được mình là chủ thể của làng quê và Nhà nước chỉ đóng vai hỗ trợ.

Do đó, xây dựng NTM không chỉ là xây dựng cầu, đường, trường, trạm mà đây là chương trình đa mục tiêu, trong đó, có 6 chương trình chuyên đề về phát triển du lịch; khoa học và công nghệ; chuyển đổi số; tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự; chương trình OCOP. Ngoài ra còn có các vấn đề như: Bình đẳng giới, dinh dưỡng cho cư dân nông thôn, khuyến nông…

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu năm 2023 và đến hết năm 2025 theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu, bảo đảm thực chất, hiệu quả và bền vững, góp phần hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội, Chính phủ giao, một số giải pháp được đề xuất, trong đó chú trọng việc nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện chương trình;

Chỉ đạo, phối hợp thực hiện hiệu quả 11 nội dung của Chương trình; 6 chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong xây dựng NTM. Gắn chặt việc thực hiện các nội dung xây dựng NTM với các chủ trương, định hướng của Đảng liên quan đến đất đai, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đổi mới và phát triển kinh tế tập thể...

Ðể nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình, các địa phương cần rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế.

Cùng với đó, phải tạo ra những sản phẩm đặc trưng, bản sắc văn hóa riêng của các làng quê nông thôn, phát triển làng nghề, tạo điểm nhấn thu hút du lịch nông thôn; từng bước nâng cao chất lượng đời sống của người dân, thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn