MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Văn Sấm (SN 1958) ở ấp Thạnh Thới B, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023. Ảnh: NTM

Xây dựng nông thôn mới tạo nên những nông dân - doanh nhân thành đạt

Vũ Long LDO | 02/12/2023 18:49

Xây dựng nông thôn mới không chỉ xây dựng được nhiều mô hình hợp tác xã tiêu biểu mà còn tạo nên những nông dân - doanh nhân thành đạt - những doanh nhân toàn cầu.

“Nông dân thông minh” - doanh nhân thành đạt

Ông Vũ Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn - nhấn mạnh: Không phải bây giờ doanh nghiệp của ông mới thực hiện chuyển đổi số mà việc áp dụng công nghệ cao, hiện đại là một trong những giải pháp quyết định sự thành công các dự án chăn nuôi của tập đoàn.

“Tại trang trại 7ha ở huyện Đồng Phú (Bình Phước), chúng tôi có 8 dãy chuồng nuôi gà, mỗi dãy nuôi hơn 41.000 con. Tất cả các công đoạn chăm sóc gà từ cho ăn, uống nước, lấy trứng, lấy chất thải… đều bằng dây chuyền tự động, do đó chỉ cần vài lao động trông coi.

Nhiều mô hình hợp tác xã tiêu biểu đã hình thành trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Vũ Long

Áp dụng dây chuyền công nghệ cao, cám cho gà từ lò hơi ở bên ngoài được chuyển tự động đến các chuồng, chảy vào máng ăn. Khi gà đẻ, trứng sẽ tự động lăn vào máng phía dưới, sau đó băng chuyền đẩy ra ngoài. Công nhân chỉ việc lấy trứng, phân loại và sau đó xử lý sạch, sát trùng để xếp vào khay. Phân gà được chuyển ra phía sau của trại nuôi, sau đó sẽ có xe đến chở về nhà máy chế biến phân bón hữu cơ. Hiện sản lượng trứng tại các trại gà đẻ đạt gần 315.000 quả/ngày, tương đương 130 triệu quả trứng mỗi năm”- ông Vũ Mạnh Hùng cho hay.

Tập đoàn Hùng Nhơn cũng có trại chăn nuôi gà thịt Thùy Thảo với diện tích 20ha, gồm 20 trại nuôi gà lạnh, áp dụng công nghệ tiên tiến của Đức. Tất cả các công đoạn trong suốt quá trình nuôi đều được tự động hóa, với tổng đàn gà hơn 3 triệu con/năm.

“Nhờ chăn nuôi theo chuỗi, liên tục cập nhật các vấn đề về kỹ thuật, công nghệ hiện đại, nên dù đi xa thì chúng tôi vẫn có thể điều hành trang trại, xuất bán hàng nghìn con gà như thường” - ông Hùng nói thêm.

Ông Ngô Văn Duẩn - Giám đốc HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên - cho biết: Nhờ chăn nuôi sạch, nuôi dài ngày (nuôi 3 tháng mới được bán, nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP), năm 2020, trứng vịt biển của HTX được UBND tỉnh Thái Bình công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Ngoài ra, trứng vịt biển Đông Xuyên còn được công nhận là sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NNPTNT Thái Bình) chứng nhận.

Ông Hùng, ông Duẩn chỉ là những nhân vật được nêu tên trong hàng triệu nông dân Việt ưu tú trên khắp cả nước đóng góp tích cực vào thành quả của chương trình xây dựng nông thôn mới, đưa nền nông nghiệp nước nhà ngày càng phát triển.

Mô hình hợp tác xã tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới

Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, sau 3 năm triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt nhiều kết quả quan trọng, các Hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) kiểu mới hiệu quả được nhân rộng; số lượng HTX, trang trại tiếp tục tăng.

Đến hết năm 2022, cả nước đã có 94 Liên hiệp HTX NN (tăng 16 Liên hiệp HTX NN so với năm 2020) và gần 21.000 HTX (tăng 3.700 HTX so với năm 2020), trong đó khoảng 65% xếp loại khá, tốt và trên 2.000 HTX NN ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; 2.297 HTX NN thành lập DN trong HTX, 145 HTX NN trực tiếp tham gia XNK và 1.200 HTX là chủ thể tham gia sản xuất.

Tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp với thị trường, sản xuất hàng hóa lớn; tổ chức nhiều hội chợ, hội nghị xúc tiến, xây dựng 2.510 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn kiểm soát (tăng 1,5 lần so với năm 2020), trong đó có trên 300 công ty, 150 hợp tác xã, một số tập đoàn lớn như Dabaco, Ba Huân, Saigon Coop, San Hà... tham gia mô hình chuỗi; nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi được triển khai nhân rộng. Các địa phương đã phê duyệt được 933 dự án, kế hoạch liên kết.

Kết quả của Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM sau 10 năm thực hiện (2010-2020), cũng tạo ra được 198 mô hình bao phủ hầu hết các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp và được chuyển giao cho các địa phương để phát triển, nhân rộng. Thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản tiếp tục phát triển, thị trường trong nước được mở rộng thông qua phát triển các kênh tiêu thụ, gia tăng thương mại điện tử; kịp thời giải quyết các vướng mắc, áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu trong điều kiện khó khăn do nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá vật tư nông nghiệp tăng cao…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn