MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: Minh Ánh

Xây dựng văn hoá kinh doanh quốc gia bắt nguồn từ đạo đức doanh nhân

Minh Ánh - Đức Mạnh LDO | 19/10/2023 17:52

Để xây dựng văn hoá kinh doanh, cần bắt đầu từ các doanh nghiệp mà trước hết là doanh nhân. Bản thân các doanh nhân phải thực sự là những doanh nhân văn hoá, đạo đức kinh doanh, tư duy và tầm nhìn toàn cầu...

Chiều 19.10, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng Samsung Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn đa phương (MSF) 2023 với chủ đề: “Khai thác sức mạnh Văn hóa Kinh doanh của Việt Nam hướng tới Bền vững và Cạnh tranh trong thời kỳ mới”.

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, xây dựng văn hoá kinh doanh là đòi hỏi tất yếu trong sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Thực tế đã chứng minh nhiều quốc gia trên thế giới trong quá trình phát triển đã tạo dựng thành công và biến văn hóa kinh doanh trở thành sức mạnh mềm. Góp phần quan trọng nâng cao hình ảnh, vị thế quốc gia và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập diễn ra mạnh mẽ, việc hình thành và phát triển văn hóa kinh doanh nói chung, văn hóa doanh nghiệp nói riêng như một chiều cạnh của sự phát triển nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

"Chính văn hoá kinh doanh tạo nên hình ảnh, diện mạo, thương hiệu đặc sắc của doanh nghiệp Việt. Cải tiến, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm là cần thiết và tất yếu, nhưng cùng với đó, việc tạo dựng văn hóa kinh doanh bản sắc Việt Nam cũng là một xu thế vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển" - ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Toàn cảnh Diễn đàn đa phương (MSF) 2023 với chủ đề: “Khai thác sức mạnh Văn hóa Kinh doanh của Việt Nam hướng tới Bền vững và Cạnh tranh trong thời kỳ mới”. Ảnh: Minh Ánh

Theo Chủ tịch VCCI, để xây dựng văn hoá kinh doanh của mỗi quốc gia cần bắt đầu từ các doanh nghiệp mà trước hết là bản thân các doanh nhân, những người lãnh đạo đứng đầu mỗi doanh nghiệp. Bản thân các doanh nhân phải thực sự là những doanh nhân văn hoá, có đạo đức kinh doanh, với tư duy và tầm nhìn toàn cầu, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Lấy đạo đức, văn hoá kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật.

Cùng với đó, việc cải thiện môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cũng vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, làm nền tảng cho việc xây dựng và nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi ngành kinh tế, mỗi doanh nghiệp.

Ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Minh Ánh

Chia sẻ quan điểm tại diễn đàn, ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - nhấn mạnh: "Với vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ người lao động tại Việt Nam, Công đoàn Việt Nam luôn nỗ lực và sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên liên quan để cùng nhau thảo luận, xác định những vấn đề cần cải thiện, đề xuất các giải pháp hiệu quả, phù hợp nhằm phát huy vai trò của người lao động, tổ chức công đoàn tham gia tích cực, hiệu quả thúc đẩy văn hóa kinh doanh Việt Nam theo hướng cạnh tranh và bền vững".

Diễn đàn Đa phương MSF được tổ chức lần đầu vào năm 2018. Thông qua Diễn đàn, các nhà đồng tổ chức mong muốn cùng với các cơ quan thuộc Chính phủ, công đoàn, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và các cá nhân quan tâm thúc đẩy các thảo luận và hành động có ý nghĩa, vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Việt Nam.

Sự kiện năm 2023 sẽ tập hợp các bên liên quan để thảo luận về tầm quan trọng của việc khai thác sức mạnh văn hóa kinh doanh có bản sắc của Việt Nam và các chiến lược tối đa hóa các giá trị này trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn