MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Luật sư Trần Hữu Huỳnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Xây tổ đại bàng” cho công nghệ, điện tử, cơ khí chế tạo

Phong Nguyễn thực hiện LDO | 14/06/2023 08:56

Luật sư Trần Hữu Huỳnh -  Phó Chủ tịch Hội đồng Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ với Lao Động về tốc độ phát triển của công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại Việt Nam và các giải pháp để đẩy nhanh quá trình hoàn thiện của CNHT, đáp ứng nhu cầu thế giới.

Thưa ông, mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2030, công nghiệp phụ trợ đáp ứng 70% nhu cầu sản xuất trong nước, chiếm 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Từ số liệu một số năm gần đây, ông đánh giá như thế nào về vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong phát triển CNHT?

- SME là xương sống của mọi nền kinh tế, góp phần lớn nhất trong GDP, tạo công ăn việc làm nhiều nhất, là bệ đỡ trong những “cú sốc” kinh tế, là đất sống cho cạnh tranh lành mạnh, là nguồn để phát triển thành các tập đoàn lớn.

Trong mối quan hệ giữa SME và CNHT ở Việt Nam đã có một bước phát triển khá mạnh gần đây. Giai đoạn thu hút FDI ban đầu, mục tiêu chính sách rất cụ thể, tiến bộ, đó là gọi vốn, chuyển giao công nghệ, du nhập quản trị doanh nghiệp nhưng chỉ thực hiện được việc gọi vốn, hai mục tiêu sau gần như không thành công.

Sau đó là giai đoạn thành lập các tập đoàn kinh tế Nhà nước (SOE) với hi vọng tạo ra các quả đấm thép, thực tế chỉ là các quyết định hành chính, tập hợp lỏng lẻo các doanh nghiệp nhà nước “vào chung một rọ”. Cả hai giai đoạn này, vắng bóng vai trò liên kết giữa doanh nghiệp FDI, giữa doanh nghiệp SOE với phần còn lại là các SME dân doanh khác.

Với các SOE thì ngay cả công nghiệp chính cũng èo uột, nói gì đến công nghiệp phụ trợ. Cho nên, có một thời, câu nói “cả nước không sản xuất nổi cái đinh vít” cho FDI không phải là không có cơ sở.

Nhưng tình hình đã thay đổi nhanh trong thời gian gần đây. Cùng với việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế với 15 FTA được kí kết mà các đối tác là các quốc gia phát triển lớn của thế giới, việc thay đổi nhanh chóng bản đồ địa chính trị cùng với quyết tâm xây dựng một đội ngũ SME thông qua việc ban hành và thực thi pháp luật có hiệu quả hơn đã góp phần thúc đẩy SME nói chung, SME trong CNHT nói riêng.

Việt Nam đã chuyển dần từ gia công đơn giản sang gia công theo chiều sâu, hoạt động liên kết đơn lẻ theo chiều ngang sang hoạt động  theo chuỗi với mức tham gia trong chuỗi đang sâu dần, gia tăng tỉ lệ nội địa thuần Việt cao hơn và đang đón nhận nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào là tín hiệu tốt trong thời gian gần đây dù thế giới đang gặp những khó khăn, khủng hoảng.

Theo ông, Nhà nước nên tham gia như thế nào vào vấn đề này để hỗ trợ các doanh nghiệp SME có thể đóng góp nhiều hơn cho ngành CNHT?

- Nhà nước đã ban hành thể chế về hỗ trợ SME bao gồm pháp luật hỗ trợ, chính sách hỗ trợ và bộ máy hỗ trợ.

Quan hệ kinh tế rộng với hơn 190 quốc gia, với các lợi thế nhờ các FTA đưa lại, các SME Việt Nam muốn khai thác các giá trị trong chuỗi kinh tế quốc tế là cơ sở khách quan cộng với quyết tâm của các doanh nghiệp SME chắc chắn sẽ thúc đẩy nhanh hơn công nghiệp phụ trợ.

Các khu công nghiệp (KCN) phụ trợ là công cụ hữu hiệu nhất để hiện thực hóa nhu cầu khách quan này. Các KCN, cụm CN phụ trợ này sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng bao gồm điện, đường, viễn thông, đất đai nhà xưởng, nhà ở và hệ thống phục vụ đi kèm cho gia đình người lao động (trường học, y tế, siêu thị, khu giải trí…) phù hợp, chi phí thấp, độ an toàn cao.

Cần làm gì để ưu tiên phát triển CNHT, thưa ông?

- Để hiện thực hóa điều này, ở đây chỉ nhấn mạnh ba yếu tố: Ưu tiên cho công việc nghiên cứu phát triển trong SME, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các hỗ trợ tài chính cho các sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng nội địa thuần Việt cao.

Do đó, việc Nhà nước ưu tiên phát triển nhanh các KCN, CCN hỗ trợ chính là gián tiếp giúp các SME phát triển, là cách để “xây tổ đại bàng” hiệu quả nhất, trong đó các đại bàng công nghệ, điện tử, cơ khí chế tạo nên là những ưu tiên chính sách.

Để phát triển các KCN, CCN, không có gì khác hơn giải quyết tốt ba nút thắt chung là thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực bao gồm cả nhân lực công và tư. 

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn