MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hành khách còn khá thưa thớt, có xe khởi hành trống. Ảnh: Nguyễn Thúy.

Xe buýt cỡ nhỏ kết nối đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị khách ngó lơ

Nguyễn Thúy LDO | 24/10/2022 09:52
Không chủ động được thời gian, chờ tuyến lâu... đang là những nguyên nhân chính khiến hành khách xuống ga Cát Linh (Hào Nam) ngó lơ tuyến buýt số 146 dù phải chen chúc đón taxi, xe ôm.

Cụ thể, theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, tuyến xe buýt cỡ nhỏ kết nối đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Động chạy liên tục từ 5h đến 22h hàng ngày, giá vé: 7.000 đồng/lượt (các loại vé tháng, vé ưu tiên được sử dụng như các tuyến xe buýt nội đô hiện hành).

Tại ga Cát Linh, hành khách lựa chọn xe buýt nhỏ còn thưa thớt, có xe khởi hành trống. Ảnh: Nguyễn Thúy.

Quan sát cho thấy, phương tiện có sức chứa 22 chỗ, nhỏ gọn phù hợp với lộ trình các tuyến phố đi qua. Xe được trang bị đầy đủ trang thiết bị theo quy định của xe buýt thành phố.

17h, qua nhiều trạm dừng đỗ, hầu như không có người lên xuống tuyến xe buýt này. Ảnh: Nguyễn Thúy.

Tuy nhiên, điều đáng nói sau gần 4 tháng triển khai, tuyến xe buýt 146 vẫn chưa thu hút hành khách đi lại dù phương tiện đều được đầu tư mới, có chất lượng tốt.

Ngày 23.10, khi có mặt tại Hào Nam (ga Cát Linh), PV Lao Động ghi nhận, cứ khoảng 20 người xuống ga tàu thì chỉ có khoảng từ 1 - 2 người sử dụng xe buýt nhỏ, còn lại là sử dụng các phương tiện khác như: Xe buýt điện, xe ôm, taxi…

Sau gần 4 tháng triển khai, tay cầm trên xe buýt gần như không được sử dụng đến. Ảnh: Nguyễn Thúy.

Sau khi chờ hơn 30 phút quan sát, PV cũng chỉ thấy có vài hành khách đứng chờ xe. Xe buýt nhỏ liên tục ra vào, song trên xe chỉ có 2 - 3 khách, có chuyến chỉ có tài xế và nhân viên soát vé.

PV tiếp tục lên xe buýt số 146 để ghi nhận thực tế. Khi xe bắt đầu rời bến, ngoài PV, trên xe chỉ có tài xế và nhân viên bán vé. Chạy được khoảng 3km, xe này mới đón được vị khách đầu tiên. Đến điểm Âu Cơ, xe buýt này đón thêm được 2 vị khách.

Khách hàng lựa chọn phương tiện này di chuyển đa phần là học sinh. Ảnh: Nguyễn Thúy.

Anh Minh Nghĩa - nhân viên bán vé tuyến xe buýt 146 cho biết thời gian đầu mới hoạt động, hành khách đi xe vô cùng thưa thớt, có hôm chạy xe không.

“Đến nay, dù có khá hơn trước nhưng vào khung giờ cao điểm như 7h và 17h, lượng hành khách đi chuyến xe buýt này cũng chỉ có khoảng 7 - 9 người”, anh Nghĩa nói.

Lèo tèo vài khách vào khung giờ cao điểm. Ảnh: Nguyễn Thúy.

Lý giải nguyên do vắng khách, nhiều lái xe của tuyến cho biết, một phần do xe còn mới nên chưa có biển hiệu cũng như dấu hiệu phân biệt 2 tuyến khác nhau. Phần nữa, không gian bé cùng với thời gian chờ giữa các chuyến lâu nên hành khách không mặn mà.

Thường xuyên sử dụng tàu điện trên cao làm phương tiện đi lại, anh Hà Bắc (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Khi xuống điểm ở Cát Linh, tôi thường gọi taxi hoặc xe ôm và chỉ mất khoảng vài phút. Trong khi nếu muốn đi xe buýt nhỏ thì phải chờ khoảng 15 phút mới có một chuyến. Bất tiện thứ hai là từ trạm xe buýt, tôi phải đi taxi tiếp để đến cơ quan còn taxi chỉ cần một lần di chuyển là đến nơi”.

Trước đó, ngày 1.7, Công ty Cổ phần Xe khách Hà Nội tổ chức vận hành tuyến buýt số 146: Hào Nam - Khu Liên Cơ - Hào Nam.

Theo đó, xe sẽ xuất phát từ Hào Nam (ga Cát Linh) - Giảng Võ - Núi Trúc - Kim Mã - Liễu Giai - Đội Cấn - Bưởi - Võ Chí Công (Khu liên cơ) - Nguyễn Hoàng Tôn - Lạc Long Quân - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Hàng Than - Quán Thánh - Hàng Cót - Hàng Lược - Chả Cá - Hàng Cân - Lương Văn Can - Lê Thái Tổ - Tràng Thi - Điện Biên Phủ - Trần Phú - Sơn Tây - Kim Mã (Bên trong tòa PTA Kim Mã) - Giảng Võ - Hào Nam (ga Cát Linh).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn