MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe ôm tăng giá ngày mùng 3 Tết. Ảnh: Cường Ngô

Xe ôm tăng giá cước gấp 4,5 lần trong ngày mùng 3 Tết

Cường Ngô LDO | 24/01/2023 10:03
Trong những ngày Tết, nhiều xe ôm truyền thống và các hãng xe công nghệ đồng loạt điều chỉnh tăng giá cước vận chuyển, trong đó có những cuốc xe tăng gấp 4,5 lần so với ngày thường.

Ngày 3 Tết Nguyên đán (24.1 dương lịch), ông Nguyễn Văn Thanh đi xe máy từ Ninh Bình lên Hà Nội để chạy xe ôm. Ông cho biết, những năm qua, xe ôm công nghệ phát triển mạnh khiến "cánh" xe ôm truyền thống thất thu. Chính vì vậy, những ngày Tết là "thời điểm vàng" cho xe ôm truyền thống kiếm thêm thu nhập. 

"Giờ bọn trẻ toàn điện thoại xịn, dùng mấy đồ công nghệ nhanh. Chỉ cần thao tác trên điện thoại là có xe đón tận nơi, đỡ phải đi ra ngoài, đồ đạc lỉnh kỉnh nên khách hay đi của mấy anh Grab, Be, Gojek...", ông Thanh nói và cho biết, vì tài xế xe công nghệ chủ yếu là những người trẻ, họ về quê ăn Tết hết, nên dịp này, xe ôm truyền thống như ông tranh thủ lên sớm để chở khách. 

"Thu nhập những ngày Tết tăng cao so với những ngày bình thường. Như ngày thường, tôi chạy được khoảng 200.000 - 300.000 đồng thì những ngày Tết, tôi có thể kiếm được từ 1 triệu - 1,5 triệu đồng", ông Thanh nói. 

Xe ôm truyền thống tăng giá ngày 3 Tết. Ảnh: Cường Ngô 

Cước xe ôm những ngày Tết cũng tăng gấp 4,5 lần. Theo ông Thanh, nếu như ngày thường chỉ 10.000 đồng/km thì ngày Tết tăng giá lên 45.000 đồng/km.

"Ngày Tết, tôi chịu khó chạy các cuốc xa, ở ngoại thành, thậm chí về các tỉnh thành lân cận Hà Nội như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang… thu nhập cũng tăng lên đáng kể. Có những năm, thu nhập những ngày Tết bằng làm cả tháng so với ngày bình thường", ông nói.

Không chỉ xe ôm truyền thống tăng giá những ngày Tết mà xe ôm công nghệ cũng đồng loạt tăng giá.

Trong tuần nghỉ Tết Nguyên đán từ 20.1 (29.12 Âm lịch) đến 26.1 (mùng 5 Tết), các ứng dụng đặt xe Grab, Gojek, Be đều thu thêm phụ phí đối với khách hàng.

Cụ thể, Grab thu phụ phí 5.000 đồng với mỗi chuyến xe chở khách 2 bánh (dịch vụ GrabBike), cũng như giao đồ ăn (GrabFood). Với dịch vụ gọi ôtô (GrabCar), khách hàng sẽ chịu thêm phụ phí 15.000 đồng trong các ngày Tết. Khung giờ áp dụng phụ phí là từ 6h đến 22h mỗi ngày.

Trong khi đó, Gojek thu phụ phí 5.000 đồng với mỗi cuốc xe 2 bánh chở khách (GoRide), giao đồ ăn (GoFood) tại Hà Nội. Ở TPHCM, phụ phí với dịch vụ gọi xe 2 bánh của Gojek cũng tương tự nhưng với GoFood là 7.000 đồng/đơn hàng. Còn với dịch vụ đặt xe 4 bánh (GoCar), Gojek thu phụ phí 20.000 đồng mỗi chuyến xe tại TPHCM và 15.000 đồng tại Hà Nội.

Còn Be áp dụng phụ phí 5.000 đồng mỗi chuyến xe chở khách 2 bánh (beBike), 20.000 đồng với các chuyến xe chở khách 4 bánh (beCar) tại tất cả tỉnh thành.

Với dịch vụ giao đồ ăn Baemin, mức phụ phí người dùng phải trả thêm từ ngày 30 Tết đến hết mùng 3 Tết là 10.000 đồng/đơn hàng, hai ngày mùng 4, mùng 5 Tết là 5.000 đồng/đơn hàng. Ứng dụng giao đồ ăn ShopeeFood cũng thông báo thu thêm phụ phí 5.000 đồng/đơn hàng trong 7 ngày nghỉ Tết.

Dù trả thêm phụ phí, không ít người dùng vẫn khó gọi được xe công nghệ trong những ngày Tết.

Những ngày Tết, nhiều khách hàng tại Hà Nội phải chật vật để gọi taxi, xe ôm công nghệ dù giá cước nhiều thời điểm tăng cao. Ảnh: Anh Tuấn 

Nguyễn Thuý (26 tuổi) đặt ứng dụng gọi xe công nghệ để giao hàng từ Cầu Giấy về Việt Hưng (Long Biên) vào sáng mùng 3 Tết. Lần 1, không có tài xế nào nhận đơn hàng.

Đặt thêm lần nữa, cước phí cho chuyến hàng này đã vọt lên 170.000 đồng, trong khi ngày thường chỉ khoảng 65.000 đồng. Dù giá tăng, nhưng chị Thuý vẫn phải đặt vì đơn hàng cần giao gấp.

"Những ngày Tết, gần như lúc nào tôi mở ứng dụng để đặt xe cũng thấy hiện thông báo giá cước cao hơn do nhu cầu cao", chị Thuý cho biết và nói thêm có thời điểm, cuốc xe chị đi từ Tây Mỗ (Nam Từ Liêm) đến Phạm Văn Bạch (Cầu Giấy), chỉ 6km, nhưng cước xe vọt lên 123.000 đồng, đắt gấp đôi so với ngày thường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn