MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân và người dân sống quanh khu công nghiệp Bắc Thăng Long xếp hàng chờ rút tiền từ cây ATM. Ảnh L.Hương

Xếp hàng rút tiền ATM, chờ "dài cổ" chưa tới lượt

Lan Hương LDO | 22/01/2020 15:29

Sát Tết là cao điểm nhu cầu giao dịch ngân hàng tăng đột biến. Nỗi ám ảnh rút tiền ATM ngày Tết năm nay vẫn tiếp diễn tại một số khu công nghiệp lớn.

Mệt mỏi chờ đợi rút tiền từ ATM ngày sát Tết

Theo khảo sát của phóng viên Báo Lao Động tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), ngay trước cổng khu công nghiệp có 12 cây ATM của 4 ngân hàng là Vietcombank, BIDV, Techcombank và Agribank. Hàng dài công nhân tại khu công nghiệp và người dân xếp hàng chờ tới lượt.

ATM của Vietcombank trước cổng Khu công nghiệp Thăng Long báo lỗi. Ảnh: L.Hương

Trong vòng 40 phút phóng viên có mặt trước cổng chính khu công nghiệp, 2 trong số 3 cây ATM của Techcombank hết sạch tiền, 1 cây ATM của Vietcombank báo lỗi. 

ATM của Techcombank trước cổng Khu công nghiệp Thăng Long báo "Giao dịch tạm thời gián đoạn" và không thể rút được tiền. Ảnh: L.Hương

Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Thu Hương (người dân sống ở gần khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) cho biết: “Tôi rất bực mình khi phải chờ đợi, mất nhiều thời gian lắm. Tôi đã đợi 15-20 phút rồi mà còn 5-6 người nữa mới tới lượt. Tôi chẳng biết đến lượt mình rút tiền thì cây ATM còn tiền không. Gần Tết và các ngày lễ, các cây ATM ở đây luôn đông. Gần Tết tôi cần rút tiền mặt để đi chợ chứ làm sao mà tiêu thẻ ATM được. Tôi mong số lượng cây ATM nhiều hơn và thuận tiện hơn cho khách hàng”.

Anh Nguyễn Văn Liêm (công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long). Ảnh: LH

Anh Nguyễn Văn Liêm (công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long) cho biết: “Tôi đứng ở đây hơn 15 phút rồi mà vẫn còn 4 người đứng trước. Gần Tết, tôi thường xuyên gặp trường hợp cây ATM báo lỗi không rút tiền được. Mỗi lần như vậy, tôi phải đi khá xa để rút tiền. Tôi cần tiền mặt để tiêu trên đường về quê. Ở quê, phải đi siêu thị mới có nơi dùng thẻ, còn đi chợ vẫn cần tiền mặt”.

Chị Phạm Thị Lan (công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long) cho biết: “Em phải tranh thủ rút tiền ở Hà Nội luôn chứ ở huyện quê em, nếu rút tiền ở cây ATM Agribank thì phải đi phải 6km thì mới có cây ATM”.   

Hàng dài người xếp hàng chờ tới lượt rút tiền. Ảnh: L.Hương

“Em đợi 30 phút rồi. Bây giờ em cần rút tiền mặt để thanh toán tiền phòng, tiền nước trước khi về quê. Phòng trọ của em thuê chưa có dịch vụ quẹt thẻ”, chị Bùi Thị Giang – một công nhân cho biết.  

Xử phạt 10-15 triệu đồng nếu ATM ngừng hoạt động quá 24 giờ

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, bà Trần Thị Thu Oanh - Giám đốc Phòng giao dịch Agribank chi nhánh Kim Chung (Khu Công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) - cho biết ngân hàng chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp để đưa ra các phương án giãn lệch ngày trả lương để giảm tải ATM trong dịp Tết.

Trong trường hợp các doanh nghiệp giữ lại một phần tiền thưởng Tết để trả vào ngày cuối cùng, ngân hàng tính đến phương án trả tiền mặt trực tiếp cho công nhân.

Bà Trần Thị Kim Oanh cho biết, trung bình phòng giao dịch tiếp quỹ 10 - 20 tỉ đồng/ngày, mỗi ngày 1 lần. Vào cao điểm gần Tết, ngân hàng sẽ tiếp quỹ 2 lần mỗi ngày để đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.

Theo Nghị định số 96/2014/NĐ-CP, các ngân hàng sẽ bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng nếu các ATM ngừng hoạt động quá 24 tiếng mà không báo cáo với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh thuộc địa bàn và thông báo rộng rãi cho khách hàng.

Từ tháng 11.2019, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành văn bản yêu cầu các ngân hàng, tổ chức thanh toán thực hiện các biện pháp đảm bảo hoạt động thanh toán, rút tiền mặt của người dân diễn ra thông suốt.

Trong văn bản mới, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, sở giao dịch… thực hiện các biện pháp đảm bảo hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt trong thời gian quyết toán năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán 2020.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn