MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, xếp hạng tín nhiệm là công cụ hữu hiệu giúp các hoạt động trên thị trường tài chính diễn ra minh bạch, công khai. Ảnh: Lâm Oanh

Xếp hạng tín nhiệm đã có hàng thập kỷ nhưng Việt Nam mới chỉ có 3 đơn vị

Đức Mạnh LDO | 25/10/2023 15:25

Xếp hạng tín nhiệm đóng góp cho sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời còn hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong hoạt động quản trị rủi ro, hướng theo thông lệ quốc tế và góp phần phát triển bền vững thị trường vốn Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo “Vai trò của xếp hạng tín nhiệm trong quản trị rủi ro tín dụng” diễn ra vào ngày 25.10, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, xếp hạng tín nhiệm là công cụ hữu hiệu giúp các hoạt động trên thị trường tài chính diễn ra minh bạch, công khai. Qua đó thúc đẩy các thị trường tại chính tiền tệ, thị trường vốn phát triển an toàn và bền vững hơn.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc xếp hạng tín nhiệm còn hạn chế, chưa trở thành quy định bắt buộc như kiểm toán độc lập. Trong khi đó, việc xếp hạng tín nhiệm đối với các tổ chức tín dụng cũng như doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động tài chính ngân hàng cũng như sản xuất kinh doanh.

"Nếu các ngân hàng được tổ chức uy tín xếp hạng tín nhiệm cao, sẽ giúp họ có nhiều lợi thế như huy động, hoạt động nghiệp vụ cũng như cho vay, vay vốn với lãi suất thấp từ các tổ chức trong nước và quốc tế.

Đối với các doanh nghiệp, nếu như xếp hạng tín nhiệm tốt sẽ giúp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng nhanh chóng với ưu đãi cũng như giao dịch với đối tác trong và ngoài nước được ưu đãi về giá cả, dịch vụ" - ông Hùng nói.

Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo “Vai trò của xếp hạng tín nhiệm trong quản trị rủi ro tín dụng”. Ảnh: Lâm Oanh

Theo ông Hùng, trên thế giới, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đã được phát triển nhiều thập kỷ qua. Tại Việt Nam, kể từ khi Nghị định 88/2014/NĐ-CP được ban hành, quy định về việc cấp phép và hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã tạo điều kiện hình thành thị trường xếp hạng tín nhiệm chính thức tại Việt Nam.

Tuy nhiên cho đến nay, chỉ có 3 đơn vị xếp hạng tín nhiệm được cấp phép tại Việt Nam với hoạt động còn tương đối hạn chế. Mặt khác, tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng xếp hạng tín nhiệm rất thấp cho thấy doanh nghiệp, trong đó có ngân hàng chưa quan tâm đến vấn đề này. Trong khi đó, chưa có quy định yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm cũng như các phương pháp để quản lý các công ty xếp hạng tín nhiệm. Các nhà đầu tư cũng không cho đó là điều quan trọng có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của mình.

Ông Nguyễn Quang Thuân nhấn mạnh doanh nghiệp được xếp hạng cao không đồng nghĩa không có khả năng vỡ nợ. Ảnh: Lâm Oanh

Ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng Giám đốc FiinRatings - đánh giá điểm tích cực là sang năm sau, một số trường hợp phát hành trái phiếu sẽ bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm để minh bạch thông tin.

"Hiện tại chúng ta tập trung vào phía cung nhiều hơn (trái phiếu để bán). Tuy nhiên để thị trường phát triển thì cần tập trung vào phía cầu (nhà đầu tư). Để thực hiện được điều đó, cần nhiều thành phần tham gia vào trái phiếu, công cụ nợ nhiều hơn.

Ví dụ tại Thái Lan, tất cả quỹ mở huy động vốn từ công chúng muốn đầu tư vào trái phiếu đều phải chọn loại có xếp hạng tín nhiệm. Hoặc các công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí cần đầu tư vào những sản phẩm an toàn hơn. Đương nhiên, xếp hạng cao không đồng nghĩa không có khả năng vỡ nợ" - ông Thuân chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn