MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xin lỗi vì... thiếu điện

Anh Tuấn LDO | 09/06/2023 11:38

Theo các Đại biểu Quốc hội, Bộ Công Thương cần phải có biện pháp sửa chữa, khắc phục, chứ không phải xin lỗi để cho qua hay chỉ để làm xoa dịu sự bức xúc của nhân dân khi thiếu điện

Điều quan trọng nhất là cán bộ phải có trách nhiệm với lời xin lỗi

Tại buổi thông tin về tình hình cung ứng điện, trong bối cảnh nhiều địa phương tại miền Bắc, trong đó có Hà Nội, bị mất điện những ngày qua, ông Trần Việt Hoà - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) - cho biết, công suất khả dụng của tất cả nguồn ở miền Bắc (gồm điện nhập khẩu) là 17.500-17.900 MW, tức khoảng 59,2% công suất lắp đặt.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng khoảng 20.000 MW và có thể lên tới 23.500 - 24.000 MW vào thời điểm nắng nóng. Như vậy, ước tính, mỗi ngày thiếu 30,9 triệu kWh và ngày cao nhất có thể tới 50,8 triệu kWh. "Nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết giờ trong ngày" - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực nói.

Ông Trần Việt Hòa cho biết, để xảy ra tình trạng thiếu điện là "trách nhiệm không thể biện minh". "Thay mặt cơ quan Nhà nước và đơn vị chức năng, chúng tôi gửi lời xin lỗi tới nhân dân, chúng ta cùng chung tay vượt qua giai đoạn khó khăn này" - ông Hòa nói.

Trên hành lang Quốc hội ngày 8.6, trao đổi với Lao Động, đại biểu Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng, lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực cần phải thực hiện lời xin lỗi một cách đúng đắn, biến lời xin lỗi này thành hành động cụ thể, có trách nhiệm để lời xin lỗi đó không phải là lời xin lỗi suông.

Ông cho rằng, điều quan trọng nhất là cán bộ phải có trách nhiệm với lời xin lỗi. "Sau lời xin lỗi phải có hành động cụ thể, để lời xin lỗi đó phải thực sự xuất phát từ chính trái tim của người có trách nhiệm đến lĩnh vực này. Có như vậy mới nhận được sự công nhận, đánh giá cao của xã hội, của nhân dân" - đại biểu Bùi Hoài Sơn nêu rõ.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Tuấn 

Cần nhanh chóng giải quyết vấn đề thiếu điện, tránh gây bức xúc trong nhân dân

Còn đại biểu Nguyễn Anh Trí - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cho biết, xin lỗi là cần thiết, làm sai thì phải xin lỗi, làm cái gì không đúng thì phải xin lỗi. Đó là văn hoá tối thiểu trong cuộc sống.

"Lời xin lỗi cần thiết lắm, vì mình sai thì mình phải xin lỗi, mình làm cái gì không đúng thì mình phải xin lỗi và đó cần phải trở thành nét văn hoá tối thiểu trong mỗi con người" - ông nói và cho biết, điều mà ông rất mừng là nét văn hoá đó không chỉ thẩm thấu ngoài xã hội mà đã và đang thâm nhập vào cả trong công tác quản lí, lãnh đạo.

Theo ông Trí, trong mấy chục năm qua, đặc biệt trong 10 năm gần đây, văn hoá xin lỗi đang có tính hiệu ứng mạnh. Tuy nhiên, cần phải có sự cảnh báo và triển khai việc "xin lỗi rồi thì hành động, sửa chữa thế nào?", không phải xin lỗi xong để đó, để cho qua, để tránh sự bức xúc, để xoa dịu dư luận.

Ngành điện cũng vậy, giao thông cũng vậy, y tế cũng vậy hay bất cứ ngành nào cũng vậy. Càng làm cao thì càng phải thấm nhuần. Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, vấn đề về thiếu điện, cắt điện là vấn đề rất lớn, rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội. Do vậy, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan hữu quan cần nhanh chóng giải quyết vấn đề thiếu điện, tránh gây bức xúc trong nhân dân. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn