MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xuất khẩu hàng hóa theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc sẽ được thay dần sang chính ngạch. Ảnh: T.C

XK hàng hóa sang Trung Quốc: Bỏ dần tiểu ngạch, chuyển thành xuất khẩu chính ngạch

Cao Nguyên LDO | 11/08/2020 07:17

Xuất khẩu nông sản nói riêng, hàng hóa nói chung, thông qua hình thức tiểu ngạch đang dần bộc lộ nhiều bất cập. Việt Nam sẽ chủ động đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, xóa bỏ dần hình thức tiểu ngạch, trước hết là xóa bỏ các hoạt động tạm nhập, tái xuất qua cửa khẩu phụ, lối mở. Trong khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, thì đây là một trong những cơ hội để thay đổi, hướng đến xuất khẩu chính ngạch bền vững.

Rủi ro trong xuất khẩu tiểu ngạch

Với khoảng cách vận chuyển ngắn và chi phí thấp, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có ưu thế nổi trội khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, để tăng cường chính sách bảo hộ cho nền sản xuất trong nước, gần đây quốc gia tỉ dân này đã siết mạnh chính sách về quản lý xuất nhập khẩu theo hướng chính ngạch nhằm hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch, đường mòn lối mở.

Từ đó, nhiều mặt hàng, nhất là những mặt hàng ở lĩnh vực nông, thủy sản của Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và rơi vào tình trạng mất giá, dư thừa, tồn đọng. Một số mặt hàng khác đáp ứng được tiêu chuẩn nhưng lại không nằm trong danh sách sản phẩm được nhập khẩu chính ngạch cũng gặp không ít khó khăn. Chính việc này đặt ra cho các doanh nghiệp Việt phải thay đổi nhận thức và nâng chất cho sản phẩm mới có thể gia tăng xuất khẩu vào thị trường này.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, phương thức xuất khẩu qua đường tiểu ngạch đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Chia sẻ tại Hội nghị Giải pháp cắt giảm chi phí logistics - giải pháp tối ưu nhằm nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Trần Đức Nghĩa - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - nêu thực tế, chi phí vận chuyển 1 container hoa quả tươi từ miền Đông Bắc Thái Lan sang Bằng Tường (Trung Quốc) qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mất khoảng 70 triệu đồng. Tỉ lệ hao hụt của hàng Thái Lan thấp hơn rất nhiều so với Việt Nam, do hàng hóa XK chính ngạch và hoạt động logistics bài bản.

Hiện, Việt Nam có 9 loại nông sản được phép XK chính ngạch sang thị trường Trung Quốc nhưng số lượng chưa nhiều, vì chúng ta đang lạm dụng phương thức kinh doanh tiểu ngạch. Chính phương thức này dẫn đến nhiều hạn chế cho hoạt động logistics.

Hướng đi bền vững và lâu dài

Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, bây giờ đã qua rồi thời kỳ hàng Việt xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, bởi vì Trung Quốc bây giờ họ trở thành nền kinh tế đứng trong top đầu thế giới, do đó họ sẽ siết chặt các điều kiện kinh doanh và các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đây cũng là một cơ hội đồng thời gắn liền với thách thức mà các doanh nghiệp Việt đón bắt một cách nghiêm chỉnh để xuất khẩu sang thị trường này với đầy đủ chứng chỉ, xuất xứ, điều kiện kinh doanh...

Còn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính chia sẻ, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn tồn tại thói quen xuất khẩu tiểu ngạch và chỉ chú trọng đến việc xuất khẩu sang các địa phương gần biên giới. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, nâng chất cho sản phẩm và tuân thủ các quy định nhập khẩu của các quốc gia này. Đây cũng là bước đệm để hình thành thị trường xuất khẩu hàng hóa chính ngạch thuận lợi giữa Việt Nam và một số nước lân cận đặc biệt là Trung Quốc.

Cũng về vấn đề này, ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng và xin ý kiến các bộ, ngành, cơ quan, hiệp hội, DN và lấy ý kiến rộng rãi trên website của Bộ để ban hành Thông tư số 09/2020/TT-BCT quy định về lộ trình áp dụng cửa khẩu NK, XK đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan.

Trước mắt, quy định trên có thể tác động phần nào đến các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh theo hình thức này. Tuy nhiên, tác động này không quá lớn vì thực tế, một số nước láng giềng đã siết chặt quản lý đưa hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở. Về lâu dài, việc quy định hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu qua cửa khẩu quốc tế chính sẽ tạo hành lang pháp lý cho DN kinh doanh ổn định, bền vững, hiệu quả; giảm thiểu rủi ro phát sinh cho doanh nghiệp khi đưa hàng qua cửa khẩu phụ, chưa mở lối chính thức với nước láng giềng.

Theo ông Toản, để giảm thiểu tối đa thiệt hại cho các doanh nghiệp đang kinh doanh, Bộ Công Thương đã quy định lộ trình thực hiện từ ngày 1.1.2021 để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và có kế hoạch kinh doanh phù hợp với quy định về cửa khẩu kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu nêu trên.

“Về cơ bản, các quy định hiện nay của Trung Quốc về tăng cường quản lý hàng hóa nông, thủy sản nhập khẩu là phù hợp với thông lệ quốc tế và được nhiều quốc gia áp dụng” ông Toản nói và cho biết thêm, Bộ Công Thương đã liên tục cảnh báo, khuyến nghị, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng... theo dõi sát hoạt động xuất khẩu qua các tỉnh biên giới phía Bắc. Qua đó để chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, điều tiết giao nhận để tránh ùn ứ. Đồng thời khuyến nghị doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn