MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT. Ảnh: NVCC

Xoá mù tài chính là giải pháp nâng cao kiến thức bảo hiểm của người dân

Hà Vân LDO | 21/04/2023 14:00

Chính phủ cần có chương trình quốc gia, giáo dục tài chính để nâng cao nhận thức về bảo hiểm của người dân. Bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm của các công ty bảo hiểm nhằm bảo vệ con người trước những rủi ro liên quan đến sức khỏe, thân thể, tính mạng. Tuy nhiên, yếu tố quyết định vẫn là việc người dân phải hiểu và thấy rõ lợi ích khi mua bảo hiểm.

Thời gian qua, vấn đề bảo hiểm lại gây tranh cãi, xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Những mâu thuẫn xảy ra chủ yếu do xung đột giữa quyền lợi của cá nhân tham gia và các đơn vị cung cấp bảo hiểm.

Bàn luận về vấn đề này, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) - cho rằng, ông từng nghe rất nhiều người dân than phiền về việc mua bảo hiểm “tiền vào thì dễ, tiền ra thì khó”. Về vấn đề này, theo TS Hoàng Ngọc Vinh, Chính phủ cần phải có giải pháp phối hợp, thậm chí thanh tra, kiểm định, kiểm soát chất lượng cùng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) để chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị kinh doanh bảo hiểm.

Bên cạnh đó, về bản chất, việc đóng bảo hiểm cần dựa vào niềm tin và sự hiểu biết. Nếu người dân tham gia bảo hiểm không có kiến thức về tài chính, không thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề.

So sánh những kinh nghiệm từ nước ngoài, ông Vinh cho rằng, ở các nước phát triển, Chính phủ rất quan tâm đến việc giáo dục tài chính cho người dân. Chương trình giáo dục tài chính được đưa vào giáo dục ở bậc phổ thông. Do đó, người dân được cung cấp các kỹ năng trên mọi lĩnh vực, từ chăm sóc sức khoẻ, thực phẩm chức năng, quản lí, bán hàng đa cấp…

Tại Việt Nam, hiện nay, Bộ GDĐT đang đẩy nhanh tiến độ lồng ghép giáo dục tài chính vào giáo dục phổ thông quốc gia để góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức, tạo ra phong trào thiết thực, hiệu quả đối với sinh viên, học sinh. Từ đó, hài hòa lợi ích của cá nhân và lợi ích quốc gia.

Trong khi việc am hiểu, trang bị kiến thức về tài chính, kỹ năng quản lí tài chính là vô cùng quan trọng đối với mỗi cá nhân.

“Trong gia đình, cha mẹ nếu biết thu vén có thể lo chu toàn việc học tập ở hiện tại và tương lai cho con cái. Ngược lại, cũng tiền ấy nhưng có gia đình muôn đời ở nhà thuê, không có điều kiện để con cái học lên cao. Đơn giản là quản lý tài sản, tiêu xài 1 tỉ đồng sẽ khác 10 tỉ hay cả trăm tỉ, nếu không có kĩ năng quản lý tài chính” - ông Vinh nêu ví dụ.

Từ thực tế nêu trên, chuyên gia này cho rằng, “xóa mù” tài chính cho người dân là vấn đề cấp bách cần được thực hiện. Và để làm được điều đó, Chính phủ cần có chương trình quốc gia về giáo dục tài chính. Cần có một cách tiếp cận tổng thể đối với vấn đề phổ biến kiến thức tài chính, trong đó cân nhắc đến việc xây dựng một chiến lược tổng thể.

Nội dung giáo dục tài chính cần được lồng ghép vào chương trình giáo dục phổ thông quốc gia cho nhiều đối tượng khác nhau, xuyên suốt trong các bậc học. Bởi nếu tách bạch thành môn học riêng thì những kiến thức tài chính có thể gây quá tải, khó tiếp cận tới người học.

“Nguồn lực, đội ngũ giáo viên của nước ta chưa thể đáp ứng việc đưa nội dung giáo dục tài chính vào chương trình giáo dục phổ thông. Do đó, cần phải có sự thay đổi của cả hệ thống giáo dục” - TS Hoàng Ngọc Vinh nhận xét.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn