MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hợp tác xã Nông nghiệp Xóm Đồng 2, xã Thới An Hội - một trong những hợp tác xã liên kết doanh nghiệp xuất khẩu vú sữa sang thị trường Mỹ. Ảnh: Phương Anh

Xóa tâm lý “nông dân biết làm mà không biết bán”

PHƯƠNG ANH LDO | 01/03/2023 10:00

Thời gian qua, Sóc Trăng trở thành điểm sáng trong những địa phương có các hợp tác xã hoạt động rất hiệu quả khi không chỉ thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết phát triển mà còn góp phần tạo dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho bà con nông dân. 

Việc khó, có hợp tác xã lo

2 năm nay, nhà vườn Trần Công Đằng ở xã Thới An Hội, huyện Kế Sách không còn phải lo lắng về đầu ra bởi toàn bộ diện tích vú sữa bơ hồng đã được doanh nghiệp bao tiêu để xuất khẩu sang Mỹ với giá cao hơn thị trường từ 7.000 - 10.000 đồng/kg. Ông Đằng chia sẻ nhờ tham gia vào hợp tác xã Nông nghiệp Xóm Đồng 2, thu nhập của gia đình tăng lên đáng kể, việc bán trái vú sữa cho thị trường nội địa giá cũng tăng cao hơn so với trước đây.

“Khi vào hợp tác xã được tập huấn sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học nên chất lượng trái được nâng lên. Thêm vào đó, chi phí sản xuất giảm xuống lại được bao tiêu sản phẩm để xuất đi Mỹ, nhờ vậy mà nhiều nhà vườn trồng vú sữa bơ hồng ở đây ai cũng yên tâm sản xuất. Giờ đầu ra đã ổn định, mình chỉ cần canh tác cho đạt chuẩn thôi” - ông Đằng phấn khởi nói.

Năm 2021, xã Thới An Hội thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Xóm Đồng 2 với 20 thành viên canh tác trên diện tích 21ha vú sữa bơ hồng, sản lượng 100 tấn/năm. Hiện hợp tác xã đã được cấp mã số vùng trồng, đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh, đồng thời chủ động liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ. Đây là vụ thứ 2 toàn bộ diện tích trồng vú sữa của hợp tác xã được doanh nghiệp bao tiêu để xuất khẩu với giá ổn định 35.000 - 40.000 đồng/kg kéo dài đến cuối vụ, số còn lại cung cấp cho các đơn vị thu mua đưa vào cửa hàng cao cấp, giá bình quân 25.000 - 30.000 đồng/kg.  

Lợi nhuận ít nhất 20%

Thành lập và đi vào hoạt động năm 2005 với số thành viên ban đầu là 40, tới nay Hợp tác xã Nông nghiệp Tín Phát ở xã Kế Thành, huyện Kế Sách đã tăng lên 320 thành viên, với diện tích canh tác 524ha, vốn hoạt động trên 3 tỉ đồng. Mục tiêu xuyên suốt của hợp tác xã là làm cho thành viên, hộ dân tham gia tăng lợi nhuận ít nhất 20% trong mỗi vụ lúa. Để bảo đảm hiệu quả, hợp tác xã chủ động ký kết hợp đồng lâu dài với doanh nghiệp để cung cấp các loại vật tư, trang thiết bị, máy móc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, chất lượng cho thành viên, với giá thành thấp hơn 5 - 7% so với giá thị trường. 

Hằng năm, hợp tác xã hợp đồng cung ứng cho thành viên và bà con nông dân trong vùng từ 5.000 - 6.000 bao phân cùng các loại thuốc bảo vệ thực vật với doanh thu mỗi năm đạt 7 tỉ đồng, giúp thành viên hợp tác xã tiết kiệm 20 - 25% chi phí đầu vào, năng suất lúa đạt 7 - 7,5 tấn/ha/vụ, lợi nhuận đạt 70 - 80 triệu đồng/ha/năm. Không những được ưu tiên mua phân bón, nông dược trả chậm vào cuối vụ không tính lãi, thành viên HTX còn được chiết khấu hưởng từ 3 - 5% trên tổng số tiền mua vật tư nông nghiệp.

Xã viên Bùi Công Minh vui vẻ nói: “Khi sản xuất đã có hợp tác xã bố trí lịch thời vụ, lúa giống được chọn sẵn, sâu bệnh có cán bộ kỹ thuật quản lý, hướng dẫn xử lý, bón phân đúng thời điểm, bón cân đối nhờ vậy năng suất cao hơn trước đây. Ngoài ra, được hợp tác xã cung ứng vật tư nông nghiệp trả sau thấp hơn bên ngoài từ 5 - 7%; đến vụ thu hoạch không lo chuyện thuê máy gặt, hay tìm thương lái. Bây giờ nông dân không còn “đơn độc” trên đồng ruộng, không còn phải tự bươn chải tìm mối lái tiêu thụ lúa và câu chuyện “nông dân biết làm mà không biết bán” đã xóa đi ở hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tín Phát.

Thay đổi tư duy sản xuất của nông dân

Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng, tính đến nay, toàn tỉnh có 221 hợp tác xã, có 1.247 tổ hợp tác, 12 quỹ tín dụng nhân dân và 1 liên hiệp hợp tác xã, thu hút gần 50.000 thành viên. Các hợp tác xã hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương, thực hiện liên kết chuỗi, nhiều hợp tác xã liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh.  

Ông Phạm Chí Nguyện - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng - cho biết, Liên minh hỗ trợ thành viên xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị và liên doanh, liên kết, hợp tác, hỗ trợ tham gia hội chợ xúc tiến thương mại và công nghệ tổ chức trong tỉnh và các tỉnh bạn để quảng bá sản phẩm địa phương; phối hợp với các công ty, nhà máy chế biến nông sản xây dựng hợp tác xã vệ tinh, chọn hợp tác xã trọng điểm để hỗ trợ mô hình làm đầu mối chính cung ứng nguyên liệu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn