MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xóm lưới Tân Long (Ngã Năm, Sóc Trăng) vào mùa nhộn nhịp nhất trong năm. Ảnh: Phương Anh

Xóm lưới Tân Long vào vụ nhộn nhịp nhất trong năm

PHƯƠNG ANH LDO | 05/09/2023 09:35

Khi con “nước son” từ thượng nguồn đổ về mang theo dòng phù sa đục ngầu cũng là lúc xóm nghề đan lưới Tân Long (xã Tân Long, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) tất bật, nhộn nhịp hẳn lên. Với bà con, đây là mùa thu nhập chính trong năm dù nước lũ không còn hào phóng như xưa.

Được hình thành trên 30 năm, xóm lưới Tân Long (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) hiện còn gần 20 hộ làm nghề với hàng trăm lao động tham gia. Xóm nghề hoạt động quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là từ tháng 6 đến tháng 10 âm lịch. Bởi thời điểm này, nước từ thượng nguồn đổ về, mang theo lượng tôm cá dồi dào, bà con cũng vào cuộc mưu sinh.

Đã có trên 10 năm theo nghề đan lưới, những ngày này, gia đình chị Trần Thị Bích phải huy động hết các thành viên tham gia hoàn thành các công đoạn mới kịp cung cấp ra thị trường.

Chị Bích chia sẻ: “Tại đây có đầy đủ các loại lưới bắt cá khác nhau nên bà con dễ lựa chọn. Nếu ngày thường bán tầm 20 - 50 tấm lưới thì vào mùa nước nổi có khi một ngày bán vài trăm tấm. Giá bán dao động từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/tấm. Thu nhập khoảng 600.000 đồng/ngày. Nghề làm lưới đã giúp gia đình có sống ổn định, an nhàn”.

Nghề đan lưới giúp gia đình chị Trần Thị Bích có cuộc sống ổn định. Ảnh: Phương Anh

Tại hộ bà Trần Thị Thanh cũng đang khẩn trương hoàn thành số lưới còn lại để kịp giao hàng. Bà Thanh chia sẻ: Ngày thường, bà đan khoảng vài chục tấm, nhưng vào vụ thì số lượng này tăng lên gấp đôi, có khi phải tranh thủ làm cả ban đêm.

Bà Trần Thị Thanh đang khẩn trương đan lưới giao cho khách hàng. Ảnh: Phương Anh

“Mặc dù nghề làm quanh năm nhưng mùa nước nổi là mùa bà con ở đây làm ăn được nhất. Lưới được giao cho các chủ vựa ở Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang,... ngoài ra bà con địa phương cũng mua để giăng ở các ruộng ngập nước, kênh mương,...

Trung bình mỗi ngày có thu nhập từ vài trăm đến cả triệu đồng. Nhờ thu nhập khá nên ai cũng mong nước mang tôm cá về nhiều thì nghề đan lưới càng nhộn nhịp”, bà Thanh cho biết thêm.

Công đoạn buộc phao vào lưới. Ảnh: Phương Anh

Theo bà con chia sẻ, năm nay giá nguyên vật liệu có tăng đôi chút, nhưng người làm nghề vẫn có lời. Trung bình mỗi tấm lưới bán với giá từ 60.000 - 200.000 đồng, tuỳ theo kích thước và loại hàng.

Ngoài ra, xác định gắn bó lâu dài với nghề truyền thống, bà con nơi đây đã đầu tư máy móc để tăng sản lượng, chất lượng và giảm nhân công lao động.

Lưới Tân Long (Ngã Năm, Sóc Trăng) đa dạng về mẫu mã như lưới mắt nhỏ, lưới mắt to, lưới ba màn. Ảnh: Phương Anh

Lưới sản xuất ở Tân Long từ lâu đã có uy tín trên thương trường bởi chất lượng, mẫu mã đẹp, chắc, bền, được làm theo kiểu Huế, tức là có phao, có chì làm cho mặt lưới khi giăng căng ra bắt được nhiều cá.

Ngoài ra, có sự đa dạng về mẫu mã như lưới mắt nhỏ, lưới mắt to, lưới ba màn… nên lưới Tân Long được thị trường nhiều nơi ưa chuộng. Hiện nay, sản phẩm của xóm lưới đã có mặt ở các điểm bán tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại Tân Long có hàng chục hộ theo nghề đan lưới. Ảnh: Phương Anh

Năm 2016, Tổ hợp tác đan lưới Tân Long được thành lập, thu hút 16 thành viên tham gia. Để duy trì nghề truyền thống này, xã Tân Long còn tạo điều kiện cho nhiều bà con được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nhằm tạo việc làm ổn định. Từ đó, đan lưới cũng dần trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân tại đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn