MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công an đọc lệnh khám xét, bắt các đối tượng đánh bạc trong đường dây 300 tỉ đồng. Ảnh: T.L

Xử lý biến tướng thanh toán cờ bạc online: Cần siết chặt khung pháp lý

A.L - L.H LDO | 08/09/2017 19:00
Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục bóc gỡ các đường dây cá độ bóng đá trong thời gian gần đây, chỉ riêng 8 tháng đầu năm 2017, ít nhất 7 vụ đã bị phát hiện với số lượng tiền giao dịch ước tính khoảng 3.000 tỉ đồng. Vậy, cần làm gì để hạn chế và bịt những lỗ hổng trong giao dịch điện tử?

Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý

Theo cơ quan chức năng rất khó thống kê chính xác lượng ngoại tệ đã chảy ra nước ngoài do mỗi đường dây sử dụng nhiều hình thức chuyển tiền khác nhau. Để che giấu hành tung, có trường hợp đã tính đến việc giao dịch thông qua ngân hàng ngoại quốc hoặc sử dụng hình thức chuyển tiền điện tử.

Hầu hết các vụ việc bị bóc gỡ đều có đặc điểm là các đối tượng dùng hình thức chuyển tiền qua khâu trung gian. Ví dụ vụ bóc gỡ nhóm cá độ 1.400 tỉ đồng hồi tháng 4.2017, cơ quan công an xác định có khoảng hơn 1.000 tài khoản trung gian, hàng chục thẻ ATM, nhiều điện thoại, máy tính, hoá đơn nộp tiền, lĩnh tiền, một thùng tài liệu, vàng và hơn 1.000 USD.

Hiện nay việc quản lý fintech - cách viết tắt của financial technology (công nghệ trong tài chính) còn rất mới mẻ. Fintech hiểu nôm na là được sử dụng chung cho tất cả các công ty sử dụng internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư.

Ví điện tử chính là một loại fintech. Vào tháng 7.2017, tại Hội nghị Ban Chỉ đạo fintech Ngân hàng Nhà nước lần thứ nhất vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Trưởng ban Chỉ đạo Nguyễn Kim Anh đánh giá: trong thời gian qua, gắn với lĩnh vực ngân hàng, tại Việt Nam chủ yếu là fintech trong lĩnh vực thanh toán.

Đại diện NHNN cũng đánh giá: Hiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của các công ty fintech mới chỉ là những quy định đơn giản, do đó thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của các công ty này.

Tại thị trường Việt Nam đang có hơn 40 công ty hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau dù thiếu khung pháp lý, nói một cách khác các quy định, luật lệ chưa minh bạch, hành lang pháp lý chưa theo kịp tốc độ phát triển của các công ty fintech, nên rủi ro về pháp lý cho một số dịch vụ của fintech là hiện hữu.

Công nhận và ngăn chặn lỗ hổng từ đồng tiền điện tử

Theo ông Đoàn Thái Sơn - vụ trưởng vụ pháp chế Ngân hàng Nhà nước: “Ngân hàng Nhà nước đã sớm phát đi thông báo không công nhận bitcoin và các loại tiền điện tử khác là đồng tiền được phép giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Không coi đó là phương tiện thanh toán, cấm tuyệt đối các tổ chức tín dụng cung cấp các dịch vụ liên quan đến hoạt động của bitcoin”.

Theo ông Sơn, Ngân hàng Nhà nước chắc chắn không bao giờ thừa nhận tiền điện tử là phương tiện thanh toán. Bởi tính chất phức tạp của nó là ẩn danh, không thể biết ai là người cầm tiền. Giao dịch xong là dấu vết không còn. Cũng chính vì tính chất ẩn danh mà đồng tiền này tạo điều kiện để trốn thuế, chuyển tiền bất hợp pháp, thanh toán, tài trợ cho các giao dịch bất hợp pháp.

Trao đổi với Lao Động, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia Tài chính ngân hàng cho biết: “Theo tôi, VN nên duy trì quan điểm không thể dùng đồng tiền này như đồng tiền thanh toán dịch vụ. Hãy coi tiền điện tử như một sản phẩm. Khi bạn vào sòng bạc, bạn phải đổi tiền USD và VND sang đồng tiền Chip để chơi. Sau khi bạn bước chân ra khỏi sòng bạc thì phải đổi tiền thật, đó là loại hàng hoá trao đổi với nhau giữa những người trong sòng bạc chấp nhận đồng tiền đó như phương tiện thanh toán.

Nếu cấm mọi công dân Việt Nam không được sử dụng đồng tiền điện tử thì có thể các hoạt động giao dịch rơi vào thế giới ngầm, đến lúc đó thì mọi thứ trở nên khó có thể kiểm soát nổi. Chúng ta không thể kiểm soát được các trang mạng điện tử hiện nay. Thay vì cấm đoán để biến thành hoạt động không thể kiểm soát thì nên cho phép nó hoạt động và kiểm soát nó bằng các quy định pháp luật”.

Còn Luật sư Bùi Quang Tín - Khoa Quản trị Kinh doanh - Trường ĐH Ngân hàng TPHCM; Thành viên Đoàn Luật sư TPHCM thẳng thắn nhận định: “Việc dùng Bitcoin như công cụ chuyển ngoại tệ ra nước ngoài là phạm pháp và vi phạm pháp lệnh ngoại hối”.

Luật sư Tín nói thêm: “Việc đưa ra các quy định về tiền điện tử nên có sự nghiên cứu kỹ càng và phối hợp giữa Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, NHNN, Việc Chính phủ nghiên cứu để đưa ra khung pháp lý cho tiền ảo là phù hợp bởi xã hội đang cần các phương tiện giao dịch gắn liền với thời đại công nghiệp 4.0. Hiện tại, không ít quốc gia đã sử dụng ứng dụng bitcoin như một công cụ để cải tiến cách thức quản lý, giao dịch trong hệ thống ngân hàng một cách hiệu quả”.

“Một trong những vấn đề làm đau đầu các cơ quan quản lý là các đối tượng có thể dùng tiền điện tử để tham gia vào lĩnh vực phạm pháp, rửa tiền. Các đối tượng có thể đổi tiền đồng sang tiền Bitcoin rồi thông qua các ví điện tử chuyển tiền ra nước ngoài trong nháy mắt mà không mất một đồng lệ phí. Hình thức này thuận tiện và rẻ hơn rất nhiều so với việc chuyển khoản qua ngân hàng phải mất từ 40-50USD. Phí chuyển tiền qua ví điện tử có khi chỉ 0 đồng. Cách làm này tạo lỗ hổng cho việc rửa tiền, chuyển tiền từ Việt nam sang các nước khác để mua bất động sản, tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp khác. Vấn đề rửa tiền đang là đau đầu cho an ninh tiền tệ. Nếu Việt Nam chấp nhận đồng tiền điện tử thì cần có hành lang pháp luật ngăn chặn rửa tiền. Ví dụ có thể sử dụng tiền Bitcoin trong lãnh thổ Việt Nam, nhưng không được phép dùng ví điện tử chuyển tiền sang quốc gia khác. Tuy nhiên, việc này rất khó kiểm soát.

Nếu Việt Nam cấm đoán tiền điện tử một cách cực đoan thì mọi hoạt động sẽ rơi vào thế giới ngầm thì còn khó kiểm soát hơn. Nếu đồng tiền điện tử được công nhận thì còn nhận diện được ai đang chơi, còn hơn là hiện nay không nhận diện được ai đang dùng tiền điện tử. Vì vậy theo tôi, rủi ro không công nhận tiền điện tử lớn hơn là rủi ro khi công nhận tiền điện tử. Tuy nhiên, việc công nhận đồng tiền điện tử nên có chế tài và quy định để kiẻm soát, các trung tâm giao dịch phải là các công ty được đăng ký, tạo hành lang cơ sở pháp lý để họ hành động”.

(TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia Tài chính ngân hàng)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn