MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vụ trưởng vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) Lê Thị Duyên Hải chia sẻ những giải pháp tháo gỡ nút thắt trong công tác hoàn thuế giá trị gia tăng. Đồ hoạ: Minh Ánh

Xử lý điểm nóng trong hoàn thuế VAT, ngăn chặn công ty ma

Minh Ánh LDO | 23/01/2024 07:03

Hàng trăm nghìn tỉ đồng tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã được cơ quan thuế cả nước giải quyết hoàn thuế cho doanh nghiệp trong năm 2023. Bước sang năm 2024, công tác hoàn thuế vẫn đang được triển khai quyết liệt, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Hoàn thuế kịp thời là yêu cầu, quyền lợi cấp thiết của doanh nghiệp

Trong năm 2023, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) ước ban hành gần 20.000 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng với tổng số tiền thuế hoàn khoảng 152.000 tỉ đồng, bằng 100,9% cùng kỳ năm 2022.

Đồng thời, đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 7.275 quyết định hoàn, tương ứng với tổng số tiền hoàn là 45.757 tỉ đồng. Tổng số thuế truy hoàn và phạt là 324 tỉ đồng.

Theo Vụ trưởng vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) Lê Thị Duyên Hải, ngành thuế luôn xác định, bên cạnh việc thu đúng, thu đủ cho ngân sách, thì hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp cũng là nhiệm vụ quan trọng không kém; hoàn thuế kịp thời là yêu cầu, quyền lợi cấp thiết của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trách nhiệm của cơ quan thuế còn phải chống gian lận thuế, đặc biệt là chiếm đoạt tiền ngân sách Nhà nước.

Trên thực tế, nhiệm vụ đấu tranh chống gian lận hóa đơn, hoàn thuế ngày càng khó khăn hơn do các đối tượng luôn thay đổi phương thức, địa bàn hoạt động, hành vi gian lận thuế, trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế ngày càng tinh vi, phức tạp với thái độ ngày càng liều lĩnh hơn trước.

Do đó, nhiệm vụ của ngành thuế là vừa phải đảm bảo hoàn thuế nhanh chóng, kịp thời, nhưng đồng thời phải đảm bảo việc hoàn thuế đúng quy định, kịp thời ngăn chặn và phát hiện các hành vi gian lận hoàn thuế, nên có một số trường hợp chưa hoàn kịp thời.

Hai mục tiêu quan trọng của ngành thuế

Để tiếp tục tạo thuận lợi về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh mặt hàng chịu thuế GTGT 5%, tại dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định “cơ sở kinh doanh sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên sau 12 tháng hoặc 4 quý” được hoàn thuế GTGT.

Theo Bộ Tài chính, thực tế vẫn còn một một số trường hợp thường xuyên phát sinh số thuế GTGT đầu vào lớn hơn số thuế GTGT đầu ra và qua nhiều kỳ vẫn chưa được khấu trừ hết như đối với trường hợp sản xuất hàng hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% nhưng đầu vào chủ yếu thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%.

Đồng thời, dự thảo cũng đề xuất sửa đổi quy định về hoàn thuế đối với dự án đầu tư để khuyến khích DN đầu tư, nâng cao năng suất lao động, đồng bộ pháp luật về dự án đầu tư.

Sửa đổi quy định về hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký, dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đây được đánh giá là tín hiệu tích cực, thể hiện sự quan tâm từ phía Bộ Tài chính dành cho cộng đồng doanh nghiệp, góp phần tạo môi trường đầu tư lành mạnh trong tương lai, cũng như tập trung hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các vấn đề về dòng tiền.

Nói về mục tiêu trong năm 2024, bà Lê Thị Duyên Hải cho biết, đơn vị đã quán triệt, trách nhiệm hoàn thuế phải hướng tới 2 mục tiêu là nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định pháp luật, không để hồ sơ quá hạn do yếu tố chủ quan từ cơ quan thuế, công chức thuế; và ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi gian lận về hóa đơn, hoàn thuế, quản lý chặt chẽ tiền của ngân sách Nhà nước.

Theo bà Hải, để thực hiện 2 mục tiêu này, đầu tiên phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về thuế GTGT, quản lý thuế, hóa đơn điện tử cùng pháp luật có liên quan nhằm hạn chế, ngăn chặn tình trạng thành lập doanh nghiệp “ma” để phát hành, sử dụng không hợp pháp hóa đơn điện tử với mục đích gian lận hoàn thuế, trục lợi ngân sách Nhà nước.

Thứ hai, phải ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ thông tin trong giải quyết hoàn thuế để đảm bảo giải quyết hoàn thuế minh bạch, công khai, kịp thời và phòng chống, ngăn chặn tối đa gian lận, kiểm soát chặt chẽ chi hoàn thuế GTGT.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn