MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xử lý Dự án Nhà máy Bột Giấy Phương Nam: Đề xuất bán “bia kèm lạc”

Đức Thành LDO | 27/03/2019 14:35

Là 1 trong 12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương, Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đã 3 lần tổ chức đấu giá nhưng không thành công. Vướng mắc lớn nhất vẫn là không có nhà đầu tư nào quan tâm tham gia đấu giá, trong khi đó, giá đấu giá quá cao càng cản trở quá trình xử lý.

Bán cả dây chuyền không ai quan tâm

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết: Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đã được Chính phủ đồng ý về chủ trương cho ban đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của nhà máy.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng công ty Giấy Việt Nam triển khai thực hiện bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của nhà máy vào tháng 7.2017 (gia hạn 2 lần trong tháng 8 và tháng 9.2017) nhưng không thành công do giá trị thẩm định của Dự án theo quy định hiện hành quá cao, và vướng mắc về việc chưa có cơ sở pháp lý trong việc điều chỉnh giá khởi điểm để tiếp tục triển khai bán đấu giá Dự án trong trường hợp bán đấu giá lần đầu đầu không thành công.

Tại cuộc họp về việc giải quyết 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương sáng nay, 27.3, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Quốc Khánh cho biết: "Trên cơ sở báo cáo xin ý kiến của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ thống nhất với các bộ, ngành liên quan xử lý việc bán đấu giá dự án phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành".

Được biết, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã phối hợp với đơn vị tư vấn định giá lại dự án và đang hoàn thiện các thủ tục để trình Bộ Công Thương phê duyệt kết quả để tiếp tục xây dựng phương án và tổ chức thực hiện đấu giá dự án theo quy định (dự kiến trong quý II/2019).

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo xử lý 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì, đại diện Tổng Công ty Giấy Việt Nam báo cáo: "Lý do Nhà máy bột giấy Phương Nam được định giá cao là vì quan điểm bán toàn bộ dây chuyền, đến nay định giá lại thì cũng chỉ thấp hơn giá lần trước 100 triệu đồng. Hiện đang định giá lại ở mức khoảng 1.600 tỉ đồng".

Đại diện Tổng công ty Giấy cũng báo cáo thêm: "Năm 2017 khi bán thì không ai quan tâm nhưng đến năm 2018 đã có một số đối tác để ý."

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nghe báo cáo và chỉ đạo các phương án xử lý 12 dự án yếu kém của ngành công thương sáng nay 27.3. Ảnh: Đức Thành

Gom vào cổ phần hóa cùng Tổng công ty

Đại diện Tổng công ty Giấy cũng cho biết "đang xây dựng hai phương án. Nếu bán được tài sản thì không có gì phải bàn nữa, nếu không bán được thì phải có giải pháp khác."

Hiện Tổng công ty đang trao đổi với các đơn vị của Bộ Công Thương trong trường hợp không bán được sẽ có hai gói giải pháp. Thứ nhất là định giá lại theo một quan điểm khác, đề xuất Chính phủ thành lập một tổ công tác liên bộ để xem xét đánh giá. Quan điểm khác là làm thế nào để việc định giá thu hút được các nhà đầu tư quan tâm.

Gói giải pháp thứ hai, Tổng công ty Giấy đặc biệt mong muốn và đề xuất là gom lại để tiến hành cổ phần hóa chung cả Tổng công ty và dự án bột giấy Phương Nam theo kiểu “bia kèm lạc”.

Phương án này được yêu thích là vì đánh giá của Tổng công ty Giấy cho rằng “có thể phát triển dự án nhà máy bột giấy Phương Nam thành một đơn vị sản xuất bột giấy và giấy. Việc này hoàn toàn có thể làm được” – đại diện Tổng công ty Giấy khẳng định.  

Phương án cũ quan điểm định giá là cải tạo dây chuyền này sản xuất bột từ cây bạch đàn và gỗ keo.

Gỗ bạch đàn và gỗ keo hiện đang xuất khẩu ở cảng Cái Mép và cảng Cần Thơ ở mức 1 triệu tấn mỗi năm. Nhà máy này chỉ cần 200.000 tấn.

Phương án cải tạo thì đã có nên việc cải tạo hoàn toàn có khả năng, đồng thời có thể tạo điều kiện để khu vực Đồng Tháp Mười thành vùng nguyên liệu trồng keo, bạch đàn, có thể phát triển kinh tế tại khu vực đó" - vị đại diện của Tổng công ty Giấy kiến nghị.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định đây là một phương án mới nhưng có hướng đi tốt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn