MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xử lý nghiêm tài xế nếu để hành khách lơ là chống dịch COVID-19

Anh Tuấn LDO | 28/04/2021 10:13

Trước thực trạng nhiều người chưa nhận thức được mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19, nhất là sắp tới đợt nghỉ lễ 30.4-1.5 tới đây, người dân sẽ đổ dồn ra bến xe để về quê, một số bến xe ở Hà Nội liên tục nhắc nhở khách, nhà xe chấp hành việc bắt buộc đeo khẩu trang phòng, dịch COVID-19.

Đình chỉ tài xế nếu lơ là chống dịch

Ghi nhận của PV Báo Lao Động, trong ngày 27.4, tại một số địa điểm công cộng và bến xe trên địa bàn Thành phố Hà Nội, việc chấp hành đeo khẩu trang nơi công cộng chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Chính vì vậy, lãnh đạo một số bến xe đã yêu cầu các nhà xe nhắc nhở hành khách chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch, không được chủ quan, lơ là.

Ông Vương Duy Toàn - Phó Giám đốc Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) - cho biết, trong thời gian này, bến xe yêu cầu tất cả hành khách, tài xế, nhân viên phục vụ bến xe khi ra vào bến bắt buộc phải đeo khẩu trang, thực hiện nghiêm ngặt theo thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Gọi loa nhắc nhở hành khách chấp hành quy định phòng dịch COVID-19. Ảnh: Đ.N

"Chúng tôi thường xuyên phát loa liên tục nhắc nhở người dân trong việc chấp hành đeo khẩu trang, tại các cửa ra vào đều có nhân viên yêu cầu khách rửa tay sát khuẩn, kiểm tra thân nhiệt… Dịp nghỉ lễ này, chúng tôi sẽ kiểm soát chặt chẽ" - ông Toàn nhấn mạnh.

Đối với các nhà xe, Bến xe Giáp Bát yêu cầu tất cả tuân thủ quy định phòng chống dịch, nhắc nhở khách đeo khẩu trang. Nếu khách không đeo khẩu trang không được lên xe. Trên xe có nước sát khuẩn, yêu cầu hành khách khai báo y tế, lộ trình điểm đến…

Ông Lý Trường Sơn - Giám đốc Bến xe Mỹ Đình - cho hay, dự kiến kỳ nghỉ lễ này, Bến xe Mỹ Đình tăng cường khoảng 230 lượt xe cho tất cả tuyến trọng điểm vào ngày cao điểm. Dự kiến lượng khách sẽ tăng lên 200% so với ngày thường, lượt xe dự kiến khoảng 1.050 lượt xe/ngày, tăng khoảng 30% so với ngày thường.

Theo ông Sơn, tình hình diễn biến dịch bệnh tại các nước láng giềng đang diễn ra phức tạp. Chính vì vậy, tại các cửa ra vào bến xe, lực lượng nhân viên thường xuyên phát loa nhắc nhở hành khách chấp hành việc đeo khẩu trang, tuân thủ thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh.

"Nhiều người dân vẫn còn chủ quan khi nhắc nhở mới đeo khẩu trang. Chúng tôi thường xuyên cử cán bộ nhắc nhở, tuyên truyền. Quanh khu vực trong bến xe đều dán thông báo yêu cầu đeo khẩu trang" - ông Sơn nói.

Không được lơ là, chủ quan dù chỉ phút giây

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, PGS-TS Trần Đắc Phu - Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - cho biết, mặc dù gần 1 tháng nay, Việt Nam không phát hiện thêm ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, song trên thế giới và một số quốc gia gần Việt Nam như Campuchia, Thái Lan... dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp.

Điều lo lắng nữa khi dịch xâm nhập là các biến chủng kép SARS-COV-2 tại Ấn Độ, hoặc biến chủng của Anh tại Campuchia. Đây là những biến chủng được cho là mang ít nhất hai đột biến có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, tử vong nhiều hơn so với các biến chủng trước. Do đó, khi lây nhiễm cộng đồng, từ ổ dịch nhỏ thành ổ dịch lớn rất nhanh chóng.

Một chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho hay, trước tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng nên kiến nghị Bộ Y tế cho tầm soát các đối tượng có nguy cơ cao là các tài xế xe ôm vùng biên giới, nhân viên khách sạn quanh sân bay, bến xe, nhân viên y tế khoa cấp cứu, hô hấp.

Tất cả trường hợp có bệnh hô hấp mà uống thuốc sau 3 ngày không thuyên giảm thì nên chỉ định xét nghiệm COVID-19. "Chuỗi ngày nghỉ lễ 30.4 - 1.5 đang đến gần. Việc phòng dịch, đầu tiên là ý thức của người dân, thứ đến là các biện pháp xử lý tình huống dứt khoát, tốc độ và hiệu quả" - vị chuyên gia nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn