MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ: Thanh Vân

Xử lý nợ xấu ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn

Minh Ánh LDO | 25/09/2023 19:42

Gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính, cử tri TP.Hải Phòng phản ánh, Nghị quyết số 42 ngày 21.6.2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã nhận được sự ủng hộ, tin tưởng. Tuy nhiên, đây là quy định mới và áp dụng thí điểm nên còn tồn tại những khó khăn khi các TCTD thực hiện xử lý nợ xấu.

Trong phản ánh của cử tri TP Hải Phòng về Nghị quyết số 42/2017/QH14, cử tri đề xuất để điều chỉnh công tác xử lý nợ xấu vừa nhằm đảm bảo kế thừa các chính sách được quy định tại Nghị quyết 42, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các cơ chế xử lý nợ xấu đối với các TCTD, cử tri kiến nghị trình Quốc hội nghiên cứu, xem xét xây dựng Luật Xử lý nợ xấu của các TCTD.

Qua đó, tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định về xử lý nợ xấu đảm bảo phù hợp với thực tiễn và tiệm cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế cũng như giải quyết các vấn đề bất cập, xung đột pháp lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ, góp phần làm giảm nợ xấu, từ đó đảm bảo hoạt động của các TCTD được an toàn, hiệu quả.

Trả lời vấn đề này ngày 25.9, Bộ Tài chính cho biết, tháng 2.2022, Chính phủ đề xuất Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu, xây dựng ban hành Luật Xử lý nợ xấu của các TCTD trên cơ sở kế thừa và hoàn thiện các quy định của Nghị quyết số 42 nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, bền vững cho việc xử lý nợ xấu của các TCTD.

Theo đó, đến tháng 4.2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Chính phủ nghiên cứu, đề xuất nội dung luật hóa cùng với việc rà soát, hoàn thiện Luật Các TCTD và luật khác có liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, trình Quốc hội chậm nhất vào kỳ họp đầu năm 2023.

Ngày 16.6.2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15 về Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, trong đó, giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Các TCTD, trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5.2023).

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 63/2022/QH15, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì xây dựng dự án Luật Các TCTD (sửa đổi) trình Chính phủ để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và dự kiến thông qua vào Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, tại dự thảo Luật, Chính phủ đã đề xuất các nội dung về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu trên cơ sở kế thừa một số nội dung tại Nghị quyết số 42/2017/QH14. Việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu tại Luật Các TCTD (sửa đổi) đã góp phần thực hiện được các mục tiêu như kiến nghị của cử tri.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 20.9.2023, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP về tiếp tục triển khai thi hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.

Theo đó, Quốc hội đã thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD từ ngày 15.8.2022 đến hết ngày 31.12.2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn