MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xử lý tài sản bảo đảm ngân hàng gặp nhiều khó khăn

LAM DUY LDO | 28/11/2022 10:11

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), công tác thi hành án dân sự (THADS) thời gian qua giúp nhiều vụ việc về tín dụng ngân hàng có giá trị lớn, tồn đọng nhiều năm được xử lý kịp thời, dứt điểm, góp phần hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) từng bước được xử lý, đưa tỉ lệ nợ xấu toàn hệ thống trở về mức an toàn.

Xử lý tài sản bảo đảm ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Hải Nguyễn
Ông Đặng Văn Huy - Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1 (Tổng cục THADS) cho biết, theo số liệu thống kê năm 2022, có 6.215 việc được thi hành xong (đạt 27,66% trên số có điều kiện), tăng 1.712 việc so với cùng kỳ năm 2018. Số tiền thu được trên 22.544 tỉ đồng (đạt 29,41% trên số có điều kiện), tăng gần 4.300 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Tỉ lệ thi hành xong năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021 tăng 7,39% về việc, tăng 4,1% về tiền.

Việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và NHNN cũng thu được những kết quả tích cực. Tuy nhiên theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, việc tổ chức thi hành án tín dụng ngân hàng trên thực tế còn tồn tại, bất cập, chưa đảm bảo quyền của chủ nợ có bảo đảm, gây rủi ro cho bên nhận bảo đảm. Lượng án tồn đọng khối lượng lớn, trong khi khối lượng án phát sinh thêm hằng năm vẫn tiếp tục tăng, dẫn đến quá tải trong thi hành các bản án tín dụng ngân hàng.

Nguyên nhân chủ yếu của những bất cập hiện nay do quy định pháp luật thi hành án và pháp luật liên quan chưa đồng bộ, thống nhất, thiếu cụ thể, rõ ràng và do việc hiểu, áp dụng pháp luật của cơ quan thi hành án, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, và cả từ phía bản thân các TCTD.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thái - Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS thừa nhận thực tế việc xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) của các TCTD thông qua THADS về cơ bản rất phức tạp do các vụ việc phải đưa ra tòa xét xử, thi hành án là những vụ việc mà các bên không thể tự giải quyết, nhiều vụ việc nguồn gốc tài sản phức tạp, không đầy đủ rõ ràng; nhiều vụ việc có sự tranh chấp quyết liệt, gay gắt giữa các bên. Công tác xử lý TSBĐ, thu hồi tiền tài sản cho các TCTD cũng còn hạn chế. Nhiều việc chưa giải quyết dứt điểm; số vụ việc phải tiến hành cưỡng chế vẫn còn nhiều. Một nguyên nhân là hiệu quả công tác phối hợp của một số cơ quan hữu quan có nơi, có lúc còn chưa cao, nhất là trong việc xác minh, đo vẽ, xác định ranh giới, hiện trạng để xử lý quyền sử dụng đất, khấu trừ tiền trong tài khoản.

Về các vướng mắc xử lý TSBĐ, ông Nguyễn Thành Long - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng VNBA cho biết, theo quy định hiện nay bắt buộc người yêu cầu thi hành án phải có thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Trong khi đó, người được thi hành án khó có thể tự xác minh được điều kiện của người phải thi hành án do không có chuyên môn nghiệp vụ để thu thập xác minh tài sản của người phải thi hành án. Đây là một trong những khó khăn trong thực tiễn, cơ quan chức năng cần xem xét, có biện pháp tháo gỡ phù hợp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn