MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ . Ảnh TL

Xuất hiện ngân hàng "tung" chứng chỉ tiền gửi 100.000 đồng lãi suất 9,3%

Hương Nguyễn LDO | 26/12/2019 20:03
Cuối năm là thời điểm một số ngân hàng bắt đầu khởi động chương trình chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao, thời hạn dài để hút vốn. 

Chứng chỉ tiền gửi là một loại giấy tờ có giá tương tự Sổ tiết kiệm, Hợp đồng tiền gửi do ngân hàng phát hành để chứng nhận quyền sở hữu của khách hàng đối với một khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng.

Theo quảng cáo của ngân hàng, khi có nhu cầu sử dụng vốn đột xuất, khách hàng có thể cầm cố chứng chỉ tiền gửi để vay vốn với lãi suất tối thiểu bằng lãi suất của chứng chỉ tiền gửi. Bên cạnh đó, khách hàng có thể dùng chứng chỉ tiền gửi để làm tài sản đảm bảo vay vốn hoặc bảo lãnh tại các tổ chức tín dụng khác theo quy định của ngân hàng và của pháp luật.

Mới đây, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) phát hành 5.000 tỉ đồng Chứng chỉ tiền gửi Phát Lộc dành cho khách hàng cá nhân.

SHB cho biết với số tiền tối thiểu chỉ từ 100.000 đồng, lãi suất năm đầu tiên đối với kỳ hạn 6 năm và 8 năm lần lượt là 9,1%/năm và 9,3%/năm; lãi suất các năm tiếp theo sẽ được điều chỉnh phù hợp, đảm bảo cạnh tranh trên thị trường.

Trước đó, vào cuối tháng 9.2019, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) phát hành Chứng chỉ tiền gửi dài hạn với kỳ hạn 469 ngày. Với hình thức lĩnh lãi cuối kỳ, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất cao nhất lên đến 8,9%.

Thời điểm đó, SCB phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn ghi danh với 5 mệnh giá bao gồm 100 triệu đồng, 200 triệu đồng, 500 triệu đồng, 1 tỉ đồng và 2 tỉ đồng.

Cuối tháng 8.2019, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh cho khách hàng tổ chức và cá nhân với lãi suất từ 9,5% đến 10,2%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 24 đến 60 tháng. Trong đó, mệnh giá tối thiểu là 10 triệu đồng.

Ngân hàng Quốc tế (VIB) đã từng thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất năm tối đa 9,1%, áp dụng cho kỳ hạn 61 tháng và mệnh giá tối thiểu là 10 triệu đồng. Còn tại SeaBank, hồi đầu năm, các khách hàng tham gia mua chứng chỉ với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng, thời hạn 24 tháng, 36 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất tương ứng là 8,4% và 8,6% một năm...

"Mặc dù mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi rất hấp dẫn, tuy nhiên, khách hàng cần tính toán thận trọng bởi lãi suất cao mà một số ngân hàng đưa ra chỉ được áp dụng trong năm đầu tiên như một hình thức khuyến mãi.

Các năm sau áp dụng lãi suất linh hoạt, thông thường tính theo lãi suất huy động bình quân của 4 ngân hàng thương mại nhà nước, cộng biên độ. Như vậy cũng chỉ ở mức bình quân trên thị trường huy động vốn, vì hiện nay lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại nhà nước thường thấp hơn 1,5-2% so với các ngân hàng thương mại nhỏ", Tiến sĩ -Luật sư Bùi Quang Tín,  CEO Trường Doanh nhân BizLight cho biết.

Có ba loại chứng chỉ tiền gửi: đó là Chứng chỉ tiền gửi ghi danh (có ghi tên người sở hữu), Chứng chỉ tiền gửi vô danh (không ghi tên người sở hữu và thuộc quyền sở hữu của người nắm giữ chứng chỉ tiền gửi) và Chứng chỉ tiền gửi ghi sổ (Là loại chứng chỉ tiền gửi không thể chuyển nhượng, được bán theo mệnh giá và trả lãi vào ngày đáo hạn).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn