MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng chục nghìn cửa hàng xăng dầu bán lẻ sẽ phải áp dụng hóa đơn điện tử. Ảnh: Văn Long

Xuất hóa đơn điện tử mỗi lần bán xăng: Bộ Công Thương kêu khó, Bộ Tài chính quyết làm

Cường Ngô LDO | 06/12/2023 18:09

Xuất hoá đơn điện tử từng lần bán hàng tại các cây xăng, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng gây lãng phí, tốn kém, khó thực hiện, cần có lộ trình để thực hiện. Bộ Công Thương đã có ý kiến "kêu" cho doanh nghiệp nhưng Bộ Tài chính vẫn yêu cầu phải thực hiện.

Doanh nghiệp kêu khó

Liên quan việc doanh nghiệp, cửa hàng xăng dầu bắt buộc phải xuất hoá đơn điện tử sau mỗi lần bán, trao đổi với Lao Động, ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Bội Ngọc (Trà Vinh) - cho biết, vừa qua, Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải đầu tư trang thiết bị và xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng theo Nghị định số 123 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1.7.2022.

Nghị định số 123 quy định rõ: "Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng, dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng, dầu theo từng lần bán”.

"Như vậy, mỗi lần bơm xăng dầu bán hàng phải xuất 1 hoá đơn điện tử riêng biệt, bao gồm thông tin về sản phẩm, giá cả, thông tin thanh toán và thông tin về khách hàng, bất kể là bơm thử, bơm phục vụ cho công tác kiểm định hay kiểm tra và không phân biệt giá trị mua hàng. Đây là điều gây khó khăn cho các doanh nghiệp", ông Giang Chấn Tây cho hay.

Ông Tây cho rằng, việc áp dụng đúng như nội dung Nghị định 123 thì doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Về nhân lực, nhân viên bán xăng chưa được tập huấn nên gặp khó khăn khi vừa bán hàng vừa thực hiện xuất hoá đơn điện tử và theo dõi quản lý hệ thống hoá đơn điện tử quá phức tạp này.

Ông Đặng Hoài Phương - Giám đốc Công ty Xăng dầu Phương Nam - cho rằng, theo tính toán của Bộ Công Thương, mỗi cửa hàng khi xuất hoá đơn điện tử sẽ phải bỏ chi phí khoảng 400 triệu đồng tới trên 1 tỉ đồng để trang bị phần mềm, thay thế cột bơm và phần cứng bộ tính đo đếm trong cửa hàng xăng, dầu (chưa bao gồm chi phí giao dịch phát sinh cho từng lần xuất hóa đơn).

“Như vậy, quy định này gây lãng phí xã hội và không phù hợp với tình hình thực tế”, ông Đặng Hoài Phương nhận định.

Theo ông Phương, việc áp dụng công nghệ là phải có lộ trình và còn tùy thuộc vào nguồn lực tài chính của doanh nghiệp cả nước. Do vậy, việc áp dụng hoá đơn điện tử từng lần là chưa rõ ràng so với chi phí bỏ ra quá lớn và không phù hợp với tài chính của doanh nghiệp cũng như trình độ của nhân viên quản lý hiện nay.

Nhân viên xuất hóa đơn ngay cho khách hàng sau khi mua xăng tại Petrolimex. Ảnh: PLX

Các bộ ngành nói gì?

Trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương cho rằng, việc áp dụng ngay quy định hóa đơn điện tử và kết nối với cơ quan thuế sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí có thể dẫn tới đứt nguồn cung, ảnh hưởng thị trường xăng dầu.

Hóa đơn điện tử hiện mới có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) áp dụng với hơn 2.700 cây xăng. Các doanh nghiệp lớn khác như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty Xăng dầu Quân đội (Mipecorp) đang nghiên cứu giải pháp kỹ thuật cho các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối. Còn hàng chục nghìn cây xăng của các doanh nghiệp bán lẻ khác chưa áp dụng do chi phí đầu tư lớn, thời gian thực hiện 1-3 năm.

Theo tính toán, trường hợp mỗi cửa hàng có 4 cột bơm xăng, chi phí cho thiết bị in khoảng 3 triệu đồng một cột bơm, với 17.000 cửa hàng bán lẻ hiện nay, chi phí này khoảng hơn 200 tỷ đồng. Ngoài ra, còn chi phí trang bị chip đồng bộ, kết nối máy tính để xuất hóa đơn theo từng cột bơm nhiên liệu.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại cho rằng, quy định về hóa đơn chứng từ được thực hiện từ năm 2020 (Nghị định 123), nên các cửa hàng xăng dầu phải xuất hóa đơn sau từng lần bán. Riêng với hóa đơn điện tử, Bộ này cho rằng các cây xăng phải thực hiện từ tháng 7.2022 theo Luật Quản lý thuế. Tức là, theo quy định các cây xăng bán lẻ phải xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng sau từng lần bán.

Do đó, Bộ Tài chính khẳng định đủ cơ sở pháp lý triển khai hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế tại các cửa hàng xăng dầu. "Áp dụng hóa đơn điện tử tạo sự minh bạch, bình đẳng trong sản xuất kinh doanh", Bộ Tài chính cho hay.

Thực tế triển khai xuất hóa đơn xăng dầu thời gian qua, theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) có tình trạng doanh nghiệp làm không đúng quy định như cuối ngày mới xuất hóa đơn tổng bán trong ngày; hoặc xuất một hóa đơn theo tuần, tháng cho khách hàng với số lượng lớn.

Thậm chí, có trường hợp doanh nghiệp bán hàng nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai nộp thuế, trốn thuế... gây thất thu cho ngân sách. Để ngăn hành vi này, Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế các cấp nắm bắt thực trạng triển khai hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng của các cửa hàng xăng dầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn