MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gỗ và lâm sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu mang lại giá trị cao trong 11 tháng qua. Ảnh: Vũ Long

Xuất khẩu 11 tháng tăng 8%, Việt Nam đạt số xuất siêu kỷ lục

Vũ Long LDO | 30/11/2020 19:34

Xuất khẩu 11 tháng qua đạt 241,7 tỉ USD, tăng 8%; nhập khẩu đạt 231 tỉ USD, tăng 6,8%, đặc biệt, xuất siêu đạt mức kỷ lục 20,1 tỉ USD.

Xác định vai trò trụ đỡ của sản phẩm nông nghiệp

Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú, thương mại toàn cầu năm nay suy giảm, nhất là đối với hàng công nghiệp do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nên nông sản là 1 nhóm hàng thiết yếu nên vẫn duy trì nhu cầu cơ bản như trước.

“Trong bối cảnh xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp suy giảm thì xuất khẩu nông sản duy trì được nhịp độ tăng 1 phần nhu cầu thế giới vẫn có, mặt khác do Việt Nam đã khống chế hiệu quả COVID-19 giúp cung nông sản của ta tăng, qua đó đóng góp vào tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, làm tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu, đây là 1 điểm sáng của nền kinh tế” – ông Vũ Bá Phú nhận xét.

Cục trưởng Vũ Bá Phú cũng cho rằng, về lâu dài, xuất khẩu nông sản cần chuyển dịch sang nhóm có hàm lượng chế biến tăng dần để đảm bảo được giá trị xuất khẩu cao hơn.

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, xuất khẩu nông lâm thủy - hải sản mang lại giá trị cho nền kinh tế. Tuy nhiên, đóng góp của ngành này phải ở mức 20% trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mới có tác động lớn. Do đó, cần chú trọng đến chất lượng mặt hàng ngày để nâng cao giá trị, giảm bớt số lượng nhưng gia tăng giá trị.

Còn theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) - TS Nguyễn Quốc Toản, điều đáng nói là Việt Nam đang đa dạng hóa thị trường. Nếu như trước đây chúng ta phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc thì nay chúng ta có thể vào được các thị trường quan trọng như Mỹ, EU để bổ trợ cho các thị trường Trung Quốc không chỉ trong giai đoạn COVID-19 mà cả khi các Hiệp định thương mại (FTAs) lớn như CPTPP, EVFTA chính thức có hiệu lực.

“Các hiệp định này đã tạo một “cú hích” lớn, cộng với RCEP sắp được ký kết cho thấy rằng, không chỉ tạo thuận lợi về hàng rào thuế quan, mà còn vấn đề chất lượng của chúng ta đã được cải thiện rất rõ rệt” – TS Nguyễn Quốc Toản nói.

Tuy nhiên, ông Vũ Bá Phú cũng lưu ý: Các mặt hàng công nghiệp, chế biến - chế tạo nên là động lực cho phát triển xuất khẩu vì nó mang hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn cho nền kinh tế, nhất là khi tham gia được vào những khâu có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu như thiết kế sản phẩm, sáng tạo - chế tạo, phân phối sản phẩm...

Chất lượng nông sản là yếu tố quyết định

TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh: Các FTAs không phải là công cụ để bán hàng, mà chỉ là điều kiện, khuôn khổ để chúng ta vào các thị trường mới.

Mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Thụy Điển. Ảnh: Thương Vụ

"Các FTAs chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ chính là các nông sản của chúng ta phải được người tiêu dùng tại thị trường đó chấp nhận và chào đón. Chúng ta đừng quá ảo tưởng là càng ngày càng có nhiều FTAs tức là chúng ta có thể tăng cường xuất khẩu. Đây chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là chúng ta phải có sản phẩm phù hợp đáp ứng được yêu cầu của từng thị trường để bán được hàng vào thị trường đó" – TS Nguyễn Trí Hiếu khẳng định.

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài Chính (Học viện Tài chính) nhấn mạnh: Thị trường thế giới rộng lớn nên dư địa còn rất nhiều, mình sản xuất bao nhiêu sẽ xuất được bấy nhiêu. Quan trọng là phải có vốn để đầu tư và thuê nhân công cũng như phải có công nghệ hiện đại để đáp ứng cá yêu cầu về chất lượng.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2020 đạt 472,7 tỉ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 241,7 tỉ USD, tăng 8%; nhập khẩu đạt 231 tỉ USD, tăng 6,8%.

Với tổng giá trị xuất siêu ở con số kỷ lục 20,1 tỉ USD, các chuyên gia kinh tế lạc quan về bức tranh xuất khẩu trong 11 tháng qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn