MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xuất khẩu caosu bứt phá ngoạn mục trong 11 tháng năm 2020

Vũ Long LDO | 07/12/2020 17:26

Trong bối cảnh mới, nhu cầu "tiêu dùng xanh" đòi hỏi ngành caosu cũng phải chuyển đổi sang "sản xuất xanh" để phát triển và xuất khẩu bền vững.

Giá trị xuất khẩu caosu tăng gần 13%

Theo Hiệp hội Caosu Việt Nam, trước tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát khá tốt tại Việt Nam, ngành caosu đã nỗ lực để vượt qua các khó khăn, thách thức để sản lượng xuất khẩu caosu thiên nhiên trong 11 tháng của năm 2020 đạt mức 1,5 triệu tấn với giá trị 1,9 tỉ USD. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu caosu thiên nhiên lớn thứ 3 trên thế giới.

"So với cùng kỳ năm 2019, lượng caosu xuất khẩu tăng chỉ 0,2% nhưng giá trị tăng đến 12,9%” - ông Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch Hiệp hội Caosu Việt Nam nhấn mạnh.

Ngành caosu phải phát triển theo hướng chế biến sâu để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và phát triển bền vứng. Ảnh: Đăng Hải

Với kim ngạch này, ngành caosu đã trở thành một trong những ngành hàng nông lâm nghiệp xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh đó, caosu còn là ngành có vai trò xã hội rất lớn, với khoảng 265.000 hộ tiểu điền hiện đang trực tiếp tham gia khâu sản xuất.

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ caosu lớn nhất của Việt Nam với 60% tổng lượng cung caosu thiên nhiên của Việt Nam được đi vào thị trường này.

Các thị trường khác, với lượng nhỏ hơn rất nhiều, bao gồm Ấn Độ, Malaysia... Khoảng gần 20% trong tổng lượng cung, bao gồm cả lượng nhập khẩu, được đưa vào chế biến sâu tại Việt Nam, với sản phẩm đầu ra chủ yếu bao gồm lốp xe, linh kiện ôtô, đế giày, sản phẩm thể thao và các sản phẩm khác.

Bỏ xuất khẩu thô, phát triển theo hướng bền vững

TS Tô Xuân Phúc – Chuyên gia cao cấp của tổ chức Forest Trend, người đã dành khá nhiều thời gian và tâm huyết nghiên cứu về các dự án phát triển cây caosu ở Việt Nam cho biết, hiện chúng ta có thể dễ dàng thấy các sản phẩm gỗ được làm từ gỗ caosu có mặt trong các chuỗi cửa hàng đồ gỗ cao cấp ở Mỹ, Pháp, Anh.

Có thể dễ dàng thấy caosu của Việt Nam có mặt tại các hãng sản xuất lốp xe lớn của Ý và Nhật… Điều này có nghĩa rằng các sản phẩm caosu của Việt Nam, bao gồm cả nguồn cung từ 265.000 hộ tiểu điền đã trở thành một bộ phận quan trọng của chuỗi cung toàn cầu.

"Đến nay, các sản phẩm caosu thiên nhiên xuất khẩu của chúng ta chủ yếu vẫn ở dạng nguyên liệu thô và chưa có chứng nhận bền vững. Sản phẩm cao su thiên nhiên bền vững là nhu cầu tất yếu của thị trường trong tương lai” – TS Tô Xuân Phúc nhấn mạnh.

Còn theo ông Trần Ngọc Thuận, nhu cầu về caosu thiên nhiên có chứng chỉ bền vững ngày càng được ưa chuộng, các sản phẩm có chứng chỉ bền vững hứa hẹn đem lại giá trị gia tăng cao hơn và đảm bảo việc tiếp cận thị trường thế giới.

“Điều này đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp caosu thiên nhiên của Việt Nam cũng phải nỗ lực thay đổi theo hướng phát triển bền vững để duy trì thị phần lâu dài và ổn định trong bối cảnh giá caosu luôn ở mức thấp trong nhiều năm qua” – ông Trần Ngọc Thuận nói.

Do đó, việc thực hiện tốt phát triển bền vững sẽ tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong việc nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh, thu hút khách hàng, cũng như cải thiện được năng suất và giảm chi phí nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từ đó thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu đang có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam.

Trên thực tế, ngành caosu Việt Nam cũng đang nỗ lực phát triển theo hướng bền vững, ổn định về diện tích, gia tăng năng suất và hiệu quả kinh tế, đồng thời thúc đẩy sử dụng gỗ caosu là nguyên liệu thân thiện môi trường, giảm rủi ro về thị trường và biến đổi khí hậu với những mô hình trồng xen hoặc trồng kết hợp để đa dạng nguồn thu nhập, tăng cường trữ lượng cácbon, giảm hóa chất, ít phát thải khí nhà kính…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn