MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá thành cao đang làm giảm lợi thế của doanh nghiệp trong đàm phán hợp đồng xuất khẩu gạo. Ảnh minh họa: TTXVN

Xuất khẩu gạo 2021 khó đạt 6,5 triệu tấn và những "nút thắt" cần tháo gỡ

Vũ Long LDO | 18/11/2021 15:03

Xuất khẩu gạo trong 2 tháng cuối năm 2021 không bứt phá, dự báo xuất khẩu gạo năm 2021 khó đạt 6,5 triệu tấn như kỳ vọng.

Rất ít doanh nghiệp ký được hợp đồng mới

“Công ty Trung An vừa trúng thầu 15.000 tấn gạo xuất khẩu sang Hàn Quốc. Hiện chúng tôi đang chuẩn bị nguồn hàng để giao cho đối tác trong tháng 3.2022” – chiều 18.11, ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, chia sẻ với PV Lao Động.

Theo thông tin của “vua lúa gạo” Phạm Thái Bình, lô hàng này có thời hạn giao hàng từ tháng 3.2022 đến tháng 6.2022, đúng vào thời điểm chính vụ của vụ đông xuân 2021-2022 nên nguồn hàng rất dồi dào, thuận lợi cho việc giao hàng.

“Gạo 100% tấm (tấm nấu bia) có mức giá 449 USD/tấn là rất tốt, trừ phí CIF khoảng 80USD thì cũng còn 369 USD/tấn giá FOB. Gạo tấm mà bán được với giá 369/tấn FOB là giá khá tốt” – doanh nhân Phạm Thái Bình nói.

Tuy nhiên, Trung An là một trong số rất ít doanh nghiệp đàm phán thành công, ký kết thêm được hợp đồng xuất khẩu gạo trong 2 tháng cuối năm. Khảo sát của PV cho thấy, thị trường xuất khẩu gạo trong 2 tháng cuối cùng của năm 2021 không lạc quan như dự báo trước đó, khi rất nhiều doanh nghiệp đang tồn đọng trong kho chưa xuất đi, nhiều doanh nghiệp chưa khai thác thêm được đơn hàng mới…

Ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV - cho biết, xuất khẩu gạo đã bị ảnh hưởng khá lớn do tác động của dịch COVID-19, đặc biệt là từ giữa tháng 7.2021, các tỉnh miền Tây phải thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch, hoạt động sản xuất, chế biến gạo để xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động vì không đủ điều kiện sản xuất “3 tại chỗ” (3T), những doanh  nghiệp tổ chức được thì con số này cũng chỉ đạt khoảng 30-40%  và sản lượng cũng chỉ đạt khoảng 40-50% so với bình thường. Ông Thành dự báo có khả năng lượng gạo xuất khẩu trong tháng 11 và tháng 12.2021 sẽ không bằng tháng 10.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 10.2021, xuất khẩu gạo đạt 618.162 tấn, trị giá 321,941 triệu USD, tăng 4,1% lượng và tăng 9,8% về giá trị. Cộng dồn 10 tháng đạt trên 5,183 triệu tấn, trị giá 2,738 tỉ USD, giảm 3,1% về lượng nhưng tăng 3,7% về giá trị.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến dự báo số lượng gạo xuất khẩu năm 2021 có thể không đạt mức 6,5 triệu tấn như kỳ vọng.

“6,5 triệu tấn thì khó, nhưng ở mức 6- 6,2 triệu tấn thì Việt Nam có thể đạt” – doanh nhân Phạm Thái Bình nêu ý kiến.

Gỡ "nút thắt" nào để giảm giá thành sản xuất?

Điều đáng nói là, hiện nay giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang cao hơn của các nước xuất khẩu gạo truyền thống là một bất lợi về cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình đàm phán hợp đồng.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 18.11, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chào bán trên thị trường thế giới ở mức 425-429 USD/tấn (gạo 5% tấm), 404-408 USD/tấn (gạo 25% tấm).

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu cùng loại của Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan đều thấp hơn giá gạo của Việt Nam. Cụ thể, gạo 5% tấm của Thái Lan thấp hơn gạo Việt Nam 42 USD/tấn, gạo Ấn Độ cùng loại thấp hơn gạo Việt Nam 72 USD/tấn, gạo Pakistan thấp hơn gạo Việt Nam 67 USD/tấn.

“Công ty Phước Thành IV đang còn tồn kho gạo chất lượng cao nhưng khi đàm phán khách hàng so sánh giá với các nước, trong khi giá thành của công ty là khá cao và bán giá như hiện nay đã không có lời”- ông Nguyễn Văn Thành chia sẻ.

Hiện nay, gạo Thái Lan có chất lượng khá tốt, nhưng giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đang ở mức thấp, rất lợi thế để cạnh tranh với gạo Việt Nam. Trước vấn đề này, bài toán đặt ra là phải nâng cao thương hiệu gạo của Việt Nam, đồng thời cơ cấu lại sản xuất để giảm giá thành gạo nhưng nông dân vẫn có lãi.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, trong hoàn cảnh giá phân bón đang tăng không có điểm dừng hiện nay, để giảm giá thành lúa gạo, nông dân có thể giảm lượng phân bón, đồng thời giảm tỉ lệ gieo sạ để tiết kiệm chi phí.

Doanh nhân Nguyễn Liên Phương - Chủ tịch nhóm công ty LPVN tại Việt Nam và UAE phân tích: Tổn thất sau thu hoạch của Việt Nam đang khá lớn, chế biến sâu chưa nhiều... nên giá thành sản xuất cao. Vấn đề này cần được giải quyết, có như vậy nông sản Việt mới có cơ hội cạnh tranh về giá và chất lượng trên thị trường quốc tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn