MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xuất khẩu gạo của Việt Nam chịu nhiều áp lực cạnh tranh trong thời gian tới. Ảnh minh họa: Lý Lam Anh

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang mất lợi thế, thị trường kém sôi động

Vũ Long LDO | 24/06/2021 12:04

Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ giảm mạnh; thuế suất nhập khẩu gạo từ Philippines giảm gây áp lực cạnh tranh cho gạo Việt Nam.

Giá gạo xuất khẩu của các nước giảm mạnh

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 23.6, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Pakistan giảm 15 USD/tấn, bán ra ở mức 408 USD/tấn; gạo Thái Lan giảm 5 USD/tấn, bán ra ở mức 423 USD/tấn; gạo Ấn Độ vẫn ở mức thấp nhất trong các nước xuất khẩu gạo truyền thống: 388 USD/tấn.

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam sau khi điều chỉnh giảm nhẹ từ gần 1 tuần nay vẫn neo ở mức 478 USD/tấn, cao hơn gạo Ấn Độ 90 USD/tấn; cao hơn gạo Pakistan 70 USD/tấn; cao hơn gạo Thái Lan 55 USD/tấn.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cũng nhận định xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian tới sẽ gặp không ít khó khăn, bởi cạnh tranh về giá từ các thị trường có mức giá rẻ hơn, đặc biệt là từ thị trường Ấn Độ, Thái Lan, vì cho tất cả các nước xuất khẩu vào quốc gia này.

Xuất khẩu gạo sang thị trường lớn nhất gặp bất lợi

Philippines là thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam, nhưng hiện nay xuất khẩu gạo sang thị trường này đang chững lại. Các thương nhân xuất khẩu gạo cho biết, hiện nay nhiều thương nhân ngành lúa gạo của Philippines đang xin lùi thời hạn giao hàng do lượng gạo tại quốc gia này đang tồn khá lớn.

Số liệu của Cơ quan Thống kê Philippines (PSA) cho thấy, lượng gạo tồn trong kho của Philippines chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2021 đã lên tới 2,444 triệu tấn.

Giao dịch lúa gạo trong nước đang chững lại do xuất khẩu sang Philippines chậm. Ảnh minh họa: Tuấn Hường

Theo ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV, hiện nay đối tác nhập khẩu gạo Việt Nam qua doanh nghiệp của ông đang xin lùi thời gian giao hàng do sức bán ra quá chậm. Ông Thành cũng cho hay, giá gạo Việt Nam cao hơn một số nước có thể tác động đến xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT), mặc dù vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 với 35,6% thị phần, nhưng xuất khẩu gạo Philippines trong 4 tháng đầu năm 2021 đã giảm 20,7% về khối lượng và giảm 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020 (đạt 715,7 nghìn tấn và 381,4 triệu USD).

“Mới đây, để đảm bảo an ninh lương thực và giảm lạm phát, Phillipines đã xoá bỏ sự chênh lệch về mức thuế giữa nhập khẩu từ ASEAN, ngoài ASEAN và MFN (nguyên tắc đối xử tối huệ quốc trong hệ thống thương mại đa phương tạo ra sự bình đẳng về cơ hội cạnh tranh giữa các thành viên khi cùng vào thị trường của một thành viên nào đó – PV) với mục tiêu tăng nhập khẩu gạo rẻ hơn từ Ấn Độ và Pakistan” – TS Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - cho hay.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ khi Luật thuế hóa mặt hàng gạo của Philippines bắt đầu có hiệu lực đến nay, gạo Việt Nam khi xuất khẩu sang quốc gia này cả trong và ngoài hạn ngạch đang được hưởng mức thuế suất 35%, thấp hơn mức thuế áp dụng cho các nước xuất khẩu gạo truyền thống khác như Ấn Độ, Pakistan.

Tuy nhiên, từ 30.5.2021, Philippines giảm mức thuế nhập khẩu gạo xuống mức 35% thay cho mức 50% (trong hạn ngạch) và 40% (ngoài hạn ngạch) trong thời gian 1 năm đối với tất cả gạo nhập khẩu tại quốc gia này, đã làm giảm lợi thế của gạo Việt Nam, bởi các “đối thủ” xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Pakistan cũng được hưởng mức thuế suất ưu đãi này.

Hiện tại, giao dịch lúa gạo tại thị trường trong nước kém sôi động do xuất khẩu đang chậm lại. Mặt khác, lượng gạo tồn trong kho của các doanh nghiệp tại Việt Nam còn khá lớn, nên lượng gạo thu mua khó có thể bật tăng nếu việc xuất khẩu sang Philippines không có sự khởi sắc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn