MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội nghị được tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 26.4.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm

YẾN PHƯƠNG LDO | 26/04/2024 11:12

Ngày 26.4, tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phối hợp với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ chủ trì Hội nghị Đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý I/2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - đã báo cáo tình hình xuất khẩu gạo năm 2023, quý I/2024.

Ông Sơn cho biết, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 8,1 triệu tấn gạo với trị giá 4,67 tỉ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại như: gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp…

Về thị trường, khu vực thị trường châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong năm 2023, đạt hơn 6 triệu tấn, chiếm 75% tổng lượng xuất khẩu, tăng 22,8% so với năm 2022; tiếp đến là châu Phi, châu Âu. Xuất khẩu gạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tại các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I/2024 tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm. Ảnh: Phong Linh

Tính đến hết quý I/2024, xuất khẩu gạo tăng 17,6% về lượng, tăng 45,5% về kim ngạch và tăng 23,6% về giá so với quý I/2023, đạt trên 2,18 triệu tấn, tương đương gần 1,43 tỉ USD.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 46,4% trong tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt trên 1,01 triệu tấn, tương đương gần 649 triệu USD.

Xuất khẩu gạo sang Indonesia đứng thứ 2 thị trường, chiếm trên 20% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Tiếp theo, xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia chiếm trên 4% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.

Sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Phong Linh

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); các vùng khác chủ yếu phục vụ cho tiêu thụ nội địa.

Tổng khối lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại các tỉnh vùng ĐBSCL năm 2024 ước đạt khoảng 7,6 triệu tấn, trong đó, nhóm gạo chất lượng cao khoảng 3,2 triệu tấn; nhóm gạo thơm, đặc sản đạt 2,5 triệu tấn; nhóm gạo chất lượng trung bình đạt 1,15 triệu tấn; nhóm nếp đạt 0,75 triệu tấn.

Về cân đối lượng gạo hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu năm 2024, tổng khối lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại các tỉnh vùng ĐBSCL ước đạt khoảng 7,6 triệu tấn. Trong đó, tổng lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước 4,38 triệu tấn; lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu 6 tháng cuối năm ước 3,22 triệu tấn.

Dự báo, năm 2024, thị trường thương mại gạo toàn cầu vẫn phải đối mặt với những thách thức: nguồn cung gạo toàn cầu giảm, tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp... sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024.

Để tận dụng cơ hội thị trường, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo trong dài hạn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã nhấn mạnh các nhiệm vụ chính cần các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và thương nhân tích cực phối hợp với Bộ Công Thương cùng triển khai để đảm bảo: Tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân; duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước và tạo thuận lợi giao thương, bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả và nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường lương thực thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn