MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt kỷ lục về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Ảnh: Phương Anh

Xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2023 lập kỷ lục, dự kiến đạt 5 tỉ USD

NGỌC ANH LDO | 13/12/2023 12:15

Năm 2023, sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam đều cao hơn 2022 và đạt kỷ lục từ trước tới nay. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo quốc tế thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới được tổ chức tại Hậu Giang vào sáng 13.12.

Giá trị xuất khẩu gạo đạt kỷ lục

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam thông tin, 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam ước đạt 7,75 triệu tấn về sản lượng và 4,41 tỉ USD về giá trị, tăng tương ứng 16,2% và 36,3% so với cùng kỳ năm 2022, ước đến cuối năm 2023 đạt 5 tỉ USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng ước đạt 568 USD/tấn, tăng 17,3% so với cùng kỳ.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, đối với Việt Nam, lúa gạo ngoài việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia còn có vai trò đảm bảo an ninh lương thực cho khu vực và thế giới.

“Thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế đã và đang mang lại nguồn thu giúp cải thiện đời sống của người nông dân Việt Nam, góp phần vào an sinh, ổn định xã hội", ông Nam nói.

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường - cho biết, thị trường số 1 của Việt Nam tiếp tục là Philippines, hiện chiếm khoảng 35% thị phần gạo Việt Nam xuất khẩu. Trong 11 tháng đầu năm 2023, lượng gạo xuất khẩu sang quốc gia này đạt 2,63 triệu tấn, tương ứng 1,41 tỉ USD. Xếp sau là Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi.

Cần giải pháp xuất khẩu gạo bền vững

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, thời gian tới, thị trường gạo tiếp tục khả quan. Tuy nhiên, việc tăng sản lượng gạo xuất khẩu sẽ có tác động đến lượng gạo dự trữ tại các nước xuất khẩu. Giá gạo xuất khẩu tăng dẫn đến giá lúa nguyên liệu tăng theo và phần nào ảnh hưởng đến giá cả của gạo tại thị trường trong nước.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Phương Anh

Thứ trưởng cho biết, ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai nhiều đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL" nhằm nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm chí phí đầu vào, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo bền vững trên thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - nhận định rằng tình hình thế giới biến động mạnh mẽ từ COVID-19, biến động địa - chính trị ảnh hưởng mạnh mẽ tới thị trường lúa gạo. Vì vậy, công tác nghiên cứu và phân phối giống lúa thuần chủng đến nông dân cần được chú trọng đầu tư để đạt được mục tiêu ổn định về cả sản lượng lẫn chất lượng trong dài hạn.

Còn theo ông Denny Abdi - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Indonesia tại Việt Nam - các quốc gia xuất khẩu gạo lớn, trong đó có Việt Nam, cần rà soát, cập nhật các tiêu chuẩn trong chuỗi giá trị gạo phù hợp với thị trường quốc tế và hoàn thiện cơ chế thúc đẩy hợp tác công tư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn