MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xuất khẩu gạo tiếp tục mang về giá trị kim ngạch lớn trong 4 tháng năm 2022. Ảnh: P.Hổ

Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt mốc 1 tỉ USD trong 4 tháng đầu năm 2022

Vũ Long LDO | 09/05/2022 17:14

Trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo đạt 2,05 triệu tấn với giá trị 1 tỉ USD, tăng 4,4% về khối lượng; giá gạo giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 2,05 triệu tấn gạo, mang về tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu 1 tỉ USD, tăng 4,4% về khối lượng nhưng giảm 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Tuy giảm về giá trị, nhưng giá gạo của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao hơn so một số nước xuất khẩu gạo truyền thống như Ấn Độ, Pakistan, Myanmar….

Theo giá gạo do Hiệp hội Lương thực Việt Nam niêm yết, ngày 9.5.2022, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chào bán trên thị trường thế giới ở mức 418 USD/tấn (gạo 5% tấm), 398 USD/tấn (gạo 25% tấm) và 360 USD/tấn (gạo 100% tấm).

Như vậy, giá gạo Việt Nam thấp hơn giá gạo Thái Lan khoảng 29 USD/tấn (gạo 5% tấm), 36 USD/tấn (gạo 25% tấm) và 42 USD/tấn (gạo 100% tấm), nhưng cao hơn giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ từ 65 USD/tấn (gạo 5% tấm), cao hơn 75 USD/tấn (gạo 25% tấm) và cao hơn 42 USD/tấn (gạo 100% tấm).

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng cao hơn gạo Pakistan 75 USD/tấn (gạo 5% tấm), cao hơn 70 USD/tấn (gạo 25% tấm) và cao hơn 22 USD/tấn (gạo 100% tấm).

Trong 4 tháng đầu năm 2022, Philippines tiếp tục là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 42,6% thị phần. Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Bờ Biển Ngà tăng đột biến tới 76% so với cùng kỳ năm trước.

Các thương nhân cũng dự báo, xuất khẩu gạo tiếp tục lạc quan trong thời gian tới, khi nhu cầu lương thực trên thế giới và khu vực Châu Á vẫn tăng bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19, xung đột Nga – Ukraina và biến đổi khí hậu đang tác động xấu lên mùa màng.

Theo Bộ NNPTNT, trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xuất khẩu gạo được cơ cấu lại theo hướng giảm số lượng và tăng giá trị, trong đó đặc biệt chú trọng xuất khẩu gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica và các loại gạo phẩm cấp cao nhằm đạt mục đích “giảm số lượng, tăng giá trị kim ngạch”.

Dự kiến đến năm 2030, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ giảm từ 6-6,5 triệu tấn hiện nay xuống còn khoảng 4 triệu tấn, nhưng giá trị kim ngạch hàng năm vẫn ổn định từ 3-3,5 tỉ USD.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn