MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xuất khẩu thô trong nông sản cần được khắc phục để mang lại giá trị cao hơn. Ảnh: Vũ Long

Xuất khẩu giảm trong nửa đầu tháng 2.2022 vẫn không đáng ngại

Vũ Long LDO | 19/02/2022 19:06

Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trong 15 ngày đầu tháng 2 giảm, khiến nhập siêu 1,5 tháng qua tăng mạnh, ở mức trên 2,5 tỉ USD.

3 nhóm hàng xuất khẩu vẫn giữ vững vị trí quán quân

Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 2 (từ ngày 1-15.2.2022), xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 8,75 tỉ USD.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa đạt 12,66 tỉ USD. Như vậy, chỉ riêng trong 15 ngày đầu tháng 2.2022, nhập siêu đã ở mức 3,91 tỉ USD, đưa số nhập siêu trong 1,5 tháng đầu năm 2022 lên mức trên 2,5 tỉ USD.

Tính chung từ đầu năm đến 15.2, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 81,68 tỉ USD.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: Con số xuất khẩu giảm, hoặc nhập siêu trong 1,5 tháng qua tăng... đều không đáng lo ngại, bởi: Tháng 2 là thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán, năm 2022, Tết Nguyên đán của Việt Nam kéo dài đến 9 ngày, nên số lượng hàng hóa xuất khẩu sẽ giảm nhiều hơn.

Còn về con số xuất siêu, căn cứ các mặt hàng nhập khẩu cho thấy, có 2 nhóm hàng nhập khẩu với con số hàng tỉ USD là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng...

"Khi hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là thiết bị, nguyên liệu để phục vụ sản xuất, chứ không phải là hàng tiêu dùng, thì xuất siêu đều không đáng ngại. Đầu năm thường nhập khẩu nhiều nguyên liệu, phụ tùng để phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu trong thời gian tới" - PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phân tích.

Thực tế cho thấy, mặc dù tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trong 15 ngày đầu tháng 2.2022 giảm, nhưng 3 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên tỉ USD là điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị. Đây là nhóm hàng "át chủ bài" vẫn giữ vững vị trí quán quân. 

Việt Nam đang đẩy mạnh chế biến sâu để nâng giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu. Ảnh: Vũ Long

Mở các "nút thắt" để xuất khẩu tiếp tục là "điểm sáng" trong năm 2022

Theo nhận định của Bộ Công Thương, năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó, thách thức lớn nhất là đại dịch COVID-19 vẫn chưa biết bao giờ kết thúc và có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến sản xuất, thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Vấn đề lớn thứ hai là, tình trạng khó khăn trong logistics như giá cước vận tải cao, chi phí thuê container lớn, tình trạng thiếu vỏ container... tiếp tục kéo dài trong năm nay sẽ tác động lên giá thành xuất khẩu, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất đi các nước. Bên cạnh đó, xu hướng gia tăng các hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan tại nhiều khu vực thị trường lớn, diễn biến giá cả hàng hóa toàn cầu trở nên khó dự đoán, hay nguy cơ lạm phát, rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng... cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.

Ngoài ra, Việt Nam cũng phải đối diện và khắc phục các vấn đề nội tại như: Yếu tố thiếu bền vững, quy mô xuất khẩu tăng cao, nhưng giá trị gia tăng còn thấp; nhiều ngành hàng, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, thiếu chế biến sâu... Tất cả các "điểm trừ" này cần được xem xét và khắc phục, giải quyết một cách nghiêm túc để xuất khẩu bền vững và đạt giá trị gia tăng cao hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn