MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân thu hoạch hồ tiêu ở Đắk Lắk. Ảnh H.A

Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022: Kỳ vọng đạt kỷ lục 55 tỉ USD

Hiếu Anh LDO | 18/10/2022 06:53

Đến tháng 10.2022, có 7 sản phẩm của ngành nông nghiệp đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỉ USD, gồm: Cà phê, caosu, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ. Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, với đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp hiện nay, đến hết năm 2022 tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ đạt khoảng 55 tỉ USD - cao hơn Chính phủ giao 5 tỉ USD. 

Tăng trưởng trong khó khăn

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cũng như các ngành sản xuất trong nước, xuất khẩu thủy sản đối mặt với nhiều khó khăn do lạm phát toàn cầu tăng cao. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản vẫn chạm mốc 8,5 tỉ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 9 tháng, xuất khẩu thuỷ sản sang EU vượt 1 tỉ USD, tăng 41% so với cùng kỳ. Mỹ vẫn là thị trường chiếm tỉ trọng cao nhất với gần 1,8 tỉ USD, tăng 22%. Trung Quốc là thị trường có tăng trưởng cao nhất 76% đạt 1,35 tỉ USD.

Dù còn nhiều khó khăn, song với kết quả đạt được, VASEP tự tin xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ đạt mốc 10 tỉ USD ngay trong tháng 11.2022.

Không chỉ ngành thủy sản, xuất khẩu cà phê đang kỳ vọng thiết lập kỷ lục mới trong năm 2022. Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,34 triệu tấn, kim ngạch 3,06 tỉ USD, tăng 13,1% về lượng và tăng 37% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.

Với đà tăng trưởng này, các chuyên gia dự báo, nếu giá và sản lượng cà phê xuất khẩu giữ ở mức như hiện nay, dự kiến cả năm 2022, ngành cà phê Việt Nam có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỉ USD. Bởi, cùng với nguồn cung khan hiếm và tồn kho thấp cũng như những lo ngại về thời tiết ảnh hưởng đến vụ mùa tới, thị trường thế giới tiếp tục gia tăng thu mua cà phê.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, dù thị trường thế giới có nhiều biến động, song 9 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt khoảng 40,8 tỉ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất siêu khoảng 6,9 tỉ USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đến nay, có 7 sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỉ USD. Đó là cà phê, caosu, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ. Về thị trường xuất khẩu khu vực Châu Á chiếm 43,7% thị phần; Châu Mỹ chiếm 28,3%; Châu Âu chiếm 11,6%... Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt trên 10,5 tỉ USD (chiếm 25,8% thị phần. Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 7,4 tỉ USD (chiếm 18,2% thị phần).

Sẽ vượt chỉ tiêu được giao 5 tỉ USD                                           

Đánh giá về ngành nông nghiệp 9 tháng đầu năm, ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp phát triển ổn định, trong đó xuất khẩu nông lâm thủy sản có nhiều khởi sắc.

Theo Tổng cục Thống kê, nhằm giữ đà tăng trưởng cho xuất khẩu nông lâm thủy sản, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với hệ thống thương vụ Việt Nam tại 176 thị trường nước ngoài và tại cuộc họp này, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo, định hướng thúc đẩy xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu năm 2022, định hướng giai đoạn 2023 - 2025.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, với đà tăng trưởng này, ngành nông nghiệp phấn đấu đến hết năm 2022 tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 55 tỉ USD - cao hơn Chính phủ giao 5 tỉ USD.

Để làm được điều này, ngành nông nghiệp chỉ đạo nhiều giải pháp quan trọng trong quý IV. Đó là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh.

Bộ cũng đã hướng dẫn, định hướng các địa phương (nhất là các vùng trọng điểm sản xuất gạo, chăn nuôi, thủy sản) có kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Đồng thời thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững, an toàn sinh học, đảm bảo nguồn cung và ổn định giá thực phẩm, giá thịt lợn để góp phần giữ chỉ số CPI trong ngưỡng cho phép, nhất là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Đối với xúc tiến thương mại quốc tế, mở cửa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, bộ sẽ chủ động cùng Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường, cơ hội và thách thức; đánh giá tác động và tham mưu Thủ tướng Chính phủ có đối sách, kịch bản thích ứng với diễn biến cung - cầu nông lâm thủy sản trên thế giới, nhất là đối với hàng lương thực, thực phẩm (như mới đây là chính sách “phát triển nông nghiệp bền vững” của Thái Lan, Châu Âu ban hành “Chính sách nông nghiệp chung mới”, Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo, Trung Quốc dần nới lỏng hạn chế xuất nhập khẩu khi thực thi chính sách “Zero COVID”…). 

Đồng thời, thúc đẩy nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ; gia tăng chế biến để nâng cao năng suất; nghiên cứu chọn tạo giống, quy trình thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn