MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự báo xuất khẩu các mặt hàng rau quả tiếp tục lập kỷ lục mới trong năm 2024. Ảnh: Vũ Long

Xuất khẩu nông sản dự báo tiếp tục khởi sắc trong năm 2024

Vũ Long LDO | 03/01/2024 17:38

Dự báo xuất khẩu hàng hóa nông sản, đặc biệt là nhóm hàng rau quả, lúa gạo tiếp tục khởi sắc trong năm 2024 nhờ nhiều yếu tố thuận lợi.

Xuất khẩu rau quả, lúa gạo lập kỷ lục mới

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2023 mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngành NNPTNT đã gặt hái được nhiều thành tựu: Tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,83% - cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế; trong đó, nông nghiệp tăng 3,88%; thủy sản tăng 3,71%, lâm nghiệp tăng 3,74.

Đặc biệt, trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, ngành NNPTNT đã xuất siêu 12,07 tỉ USD, tăng 43,7% - là mức thặng dư thương mại cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng rau quả đạt mức tăng trưởng cao nhất: 69,2%; tiếp theo là mặt hàng gạo: 38,4%.

“10 năm trở lại đây mới có con số tăng trưởng cao như vậy. Xuất khẩu rau quả đạt 5,69 tỉ USD, tăng 69,2%. Tiềm năng lợi thế về rau quả rất lớn, trong đó có sầu riêng. Năm 2023 xuất khẩu sầu riêng đạt trên 2,2 tỉ USD là giá trị rất lớn.

Lúa gạo mặc dù giảm về diện tích nhưng tăng về sản lượng và năng suất, vẫn về đích 43,5 triệu tấn” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Các thương nhân ngành lúa gạo cũng cho hay, nhiều yếu tố thuận lợi đã hỗ trợ nhóm ngành này trong năm qua.

Xuất khẩu sầu riêng dự báo tiếp tục lập kỷ lục mới trong năm 2024. Ảnh: Vũ Long

Ông Nguyễn Quang Hòa - CEO Dương Vũ Rice chia sẻ: Năm 2023, Ấn Độ là quốc gia có gần 50% lượng gạo xuất khẩu trên thế giới ban hành lệnh tạm ngừng xuất khẩu gạo trắng đã tạo cơ hội cho Việt Nam và Thái Lan, sản lượng gạo xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt trên 8 triệu tấn với trị giá 4,78 tỉ USD trong năm 2023 - là tổng giá trị cao kỷ lục từ trước đến nay.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản dự báo khởi sắc hơn trong năm 2024

Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - nhận định, xuất khẩu gạo tiếp tục là điểm sáng trong năm 2024 khi nhu cầu lương thực, trong đó có gạo trên thế giới vẫn ở mức cao.

Do ảnh hưởng của El Nino, năng suất lúa gạo có thể giảm. Bên cạnh đó, Ấn Độ có thể vẫn duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo trong thời gian tới khiến cán cân “cung - cầu” có thể lệch trong năm 2024. Trong khi đó có nhiều nước, đặc biệt là Philippines và Indonesia tiếp tục tăng nhu cầu nhập khẩu gạo sẽ là điều kiện có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.

Xuất khẩu gạo đạt gần 4,8 tỉ USD trong năm 2023. Ảnh: Vũ Long

Thông tin về tiềm năng xuất khẩu mặt hàng rau quả, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho hay, hiện nay diện tích sầu riêng 112 nghìn hecta với khoảng 400 nghìn tấn nhưng mới chỉ thu hoạch ở diện tích hơn 60 nghìn hecta, phần còn lại đang thiết kế cơ bản năm 2024 sẽ cho thu hoạch.

"Nếu thời gian tới ký kết được Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, giá trị sầu riêng sẽ tăng lên. Ngoài ra, nếu các giải pháp về hạ tầng được giải quyết, như: Cửa khẩu thông minh, đường sắt, đường bộ kết nối; thống nhất kiểm dịch; khắc phục thủ tục hành chính và mã đóng gói thì sản lượng rau quả còn nhiều tiềm năng, lợi thế để tăng trưởng trong năm 2024.

Bộ NNPTNT đánh giá lại những kết quả của ngành, đưa ra các giải pháp phù hợp để năm 2024 tăng trưởng, năm 2025 về đích, đạt đúng mục tiêu của Nghị quyết Trung ương Đảng khóa XII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Theo Hiệp hội Rau Quả Việt Nam, năm 2024, xuất khẩu rau quả Việt Nam năm sẽ khởi sắc nhờ các mặt hàng chủ lực.

“Sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài là những mặt hàng chủ lực. Đặc biệt, nếu có thêm sầu riêng đông lạnh, dừa tươi nữa thì xuất khẩu rau quả sẽ lập kỷ lục mới, ít nhất đạt 6 tỉ USD, kỳ vọng có thể đạt 6,5 tỉ USD” - ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam tin tưởng.

Để phục vụ xuất khẩu bền vững, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) đã phối hợp với các nước nhập khẩu như Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản... cấp 6.997 mã số vùng trồng và 1.613 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Các loại quả tươi được cấp mã số bao gồm thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh leo, chanh không hạt, nhãn, vải, ớt, thạch đen...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn