MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không nên vì khó khăn trong xuất khẩu mà từ bỏ thị trường Trung Quốc, cần đáp ứng yêu cầu của thị trường này.

Xuất khẩu nông sản, đừng “bỏ” thị trường gần “mua đường” thị trường xa

Vũ Long LDO | 20/01/2022 21:46

Việc Trung Quốc tăng rào cản đối với trái thanh long khiến một số doanh nghiệp xuất khẩu muốn từ bỏ để tìm thị trường mới.

Cần giữ những thị trường gần vì nhiều lợi thế xuất khẩu

Là doanh nghiệp có quan hệ thương mại lâu năm với Trung Quốc, ông Nguyễn Quang Hòa – Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ, nhấn mạnh: Trong các đơn hàng xuất khẩu, mặc dù trước khi xuất đi đã test kỹ, nhưng nếu sang bên kia có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hoặc “dính” vào một trong hàng trăm tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ rất rủi ro, khi lô hàng bị trả về để tiêu hủy thì coi như mất lãi.

Ông Hòa cho rằng, không nên lấy giá của những doanh nghiệp chỉ xuất khẩu một vài container đi một số nước với giá cao ngất ngưởng mà đánh giá là hiệu quả ở thị trường đó cao. Như vậy là thiếu biện chứng. Cụ thể, trong xuất khẩu gạo, chỉ có giá xuất khẩu sang Philippines, Trung Quốc và Châu Phi mới phản ánh đúng và có khả năng dẫn dắt giá cả nông sản, lúa gạo và quyết định giá thị trường.

"Đối với các thị trường khác, ngay như Châu Âu, xuất khẩu gạo sang Ý, gạo sang Úc dù làm nhưng có bán được bao  nhiêu. Với  những thị trường vài tấn, vài chục nghìn tấn, không bõ và không bằng bán cho Philippines hay Trung Quốc 1 ngày. Vậy các thị trường nhỏ lẻ này có đủ năng lực dẫn dắt thị trường không? Rõ ràng là không" - ông Nguyễn Quang Hòa nói. 

Trở về với câu chuyện xuất khẩu thanh long, ông Nguyễn Quang Hòa nhấn mạnh: Cần giữ vững thị trường Trung Quốc bằng cách, một mặt phải sản xuất ra hàng hóa, nông sản rẻ hơn sản phẩm mà nông dân của Trung Quốc làm ra, chứ không thể dùng “mệnh lệnh” đề nghị họ mở lại thị trường mà phớt lờ nhu cầu cũng như yêu cầu của thị trường này.

"Những người trồng thanh long Việt Nam trước mắt phải thấy rằng, Trung Quốc trồng nhiều, Campuchia và Lào cũng trồng nhiều thanh long. Nay khó khăn ở thị trường Trung Quốc, ta xuất sang Ấn Độ, may ra được 5 chuyến thì nông dân Ấn Độ cũng đã trồng rồi. Vậy, thanh long từ Việt Nam vận chuyển sang có giá đắt, ví dụ bán ra được 100.000 đồng/kg nhưng tiền vận chuyển đã đến 80.000 đồng/kg. Trong khi đất Ấn Độ còn bỏ trống, khí hậu Ấn Độ nhiệt đới gần như tương đồng khí hậu Long An, thì đương nhiên những chủ đồn điền, nông dân Ấn Độ sẽ đi tìm giống thanh long về trồng. Một năm sau, Ấn Độ trồng được thanh long, vậy là ta lại không bán được”.

Như vậy, với lợi thế gần biên giới, giá nông sản nói chung và thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ rẻ hơn Ấn Độ, Việt Nam không nên bỏ qua thị trường này để tìm thị trường mới chưa chắc đã hiệu quả. Điều quan trọng là phải tập trung để đáp ứng các yêu cầu mà Trung Quốc đặt ra để xuất khẩu ổn định.

Không "có mới nới cũ"

Các chuyên gia thương mại cũng cho rằng, cần thấy thực trạng khó khăn về logistics ở các thị trường xa mà nỗ lực giữ các thị trường gần, đặc biệt là thị trường "núi kề núi, sông liền sông" có quy mô dân số trên 1,4 tỉ dân như Trung Quốc. 

Dù thị trường Ấn Độ cũng có dân số trên 1,4 tỉ dân, nhưng không thuận lợi về khoảng cách địa lý. Chưa kể, hiện nay, Ấn Độ cũng bắt đầu triển khai trồng thanh long tại một số bang như Maharashtra, Karnataka, Andhra Pradesh, West Bengal, Telangana, Tamil Nadu, Odisha, Gujarat, quần đảo Andaman - Nicobar, và một số bang vùng Đông Bắc Ấn Độ với diện tích khoảng 3.000-4.000ha và sản lượng đạt 12.000 tấn/năm.

Mặc dù, theo ông Bùi Trung Thướng - Tham tán thương mại – Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cho rằng, sản lượng thanh long tại Ấn Độ thấp và chất lượng thanh long Ấn Độ không ngon và ngọt như thanh long Việt Nam, nhưng ông Nguyễn Quang Hòa khẳng định: Trong thời gian ngắn, vấn đề này sẽ được giải quyết. Khi đó, trái thanh long lại gặp khó ở thị trường này. Thị trường Trung Quốc gần tạo lợi thế giá xuất khẩu rẻ mà ta không làm được, nay xuất sang Ấn Độ bị chi phí logistics đẩy giá lên cao, liệu có khả thi không.  

"Việt Nam kêu khó, thì những doanh nghiệp của Thái Lan, Mianma, Pakistan, Ấn Độ… ở xa còn khó gấp trăm lần. Vậy sao họ vẫn cố vào và giữ bằng được thị trường Trung Quốc? Tại sao họ làm được, còn doanh nghiệp Việt Nam thì cứ ngồi kêu gào Bộ Nông nghiệp đâu, Bộ Công Thương đâu? Bản thân doanh  nghiệp không chuyển đổi đáp ứng thị trường, thì "bộ giời" cũng không giúp được" - ông Nguyễn Quang Hòa nói.

Nhiều chuyên gia thương mại cũng khẳng định: Nông sản, cụ thể là thanh long Việt Nam có thể mở rộng, đa dạng hóa thị trường, nhưng phải giữ bằng được thị trường Trung Quốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn