MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vải thiều Việt Nam xuất khẩu bày bán trên kệ hàng ở Pháp. Ảnh: Minh Thúy

Xuất khẩu nông sản sang châu Âu tăng, bất chấp khó khăn do dịch

Vũ Long LDO | 17/06/2021 18:14

Việt Nam khắc phục khó khăn bởi dịch COVID-19, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như thủy sản, hạt điều, trái cây... sang thị trường châu Âu.

Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sang châu Âu tăng mạnh

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản đạt 22,58 tỉ USD, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,78 tỉ USD, tăng 13%; giá trị xuất khẩu chăn nuôi đạt 166 triệu USD, tăng 43,9%; giá trị xuất khẩu thuỷ sản đạt 3,24 tỉ USD, tăng 12%...

Về thị trường xuất khẩu của Việt Nam, châu Âu (EU) đứng thứ 3 (chiếm 10,1% thị phần, sau khu vực châu Á (46,5% thị phần) và châu Mỹ (27,0% thị phần).

“Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU 5 tháng đầu năm 2021 đạt trên 380 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước” – TS Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) thông tin, đồng thời nhấn mạnh:

Bước sang quý II/2021, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tăng mạnh, trong đó xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU tháng 5.2021 ước đạt 23 nghìn tấn với trị giá 105 triệu USD, tăng 48,48% về lượng và tăng 44,77% về trị giá so với tháng 5.2020.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới EU đạt 59,07 nghìn tấn với trị giá 390,4 triệu USD, tăng 15% về lượng và tăng 18,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu EU trong 5 tháng đầu năm 2021 chiếm 10,6% về lượng và chiếm 12,05% về trị giá xuất khẩu thủy sản của cả nước.

“Dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới EU trong quý III/2021 sẽ tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 bởi nhiều nước của EU đang mở cửa trở lại, hoạt động kinh tế đang hồi phục mạnh mẽ” – TS nguyễn Quốc Toản nhận định.

Xuất khẩu cà phê sang EU cũng đang khởi sắc trở lại, trong đó, trong 5 tháng đầu năm, bên cạnh thị trường Mỹ, thì Đức và Italia là thị trường tiêu thụ càphê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 14% và 7,6%.

EU cũng là thị trường lớn thứ 2 tiêu thụ hạt điều của Việt Nam, đạt 33.885 tấn, tương đương 173,17 triệu USD, chiếm 21% trong tổng lượng và chiếm 18,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của cả nước.

Về mặt hàng rau quả, ngoài các loại trái cây đã được xuất khẩu nhiều năm, trong tháng 6.2021 vừa qua, EU cũng đã nhập vải tươi của Việt Nam và dự báo loại trái cây này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh xuất khẩu sang Pháp, Cộng hòa Séc trong thời gian tới.

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cùng với lô vải thiều đầu tiên vào Cộng hoà Séc, các loại trái cây khác như thanh long, mít, xoài, nhãn, bưởi… cũng được đẩy mạnh xúc tiến thương mại để xuất khẩu sang các quốc gia trong khối EU.

Cà phê Việt Nam được xuất khẩu nhiều sang châu Âu, đặc biệt là tại Đức. Ảnh: Vũ Long

Không để COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa

Theo Bộ NNPTNT, ngay từ đầu năm 2021, Bộ NNPTNT đã xác định khó khăn nhiều, thách thức lớn, nhưng phải hết sức bình tĩnh, "nóng nhưng không vội" để cùng nhau chung sức, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ một cách chủ động, sáng tạo, hiệu quả, biến "nguy" thành "cơ", từng bước phát huy lợi thế trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông lâm thủy sản, chuẩn bị các điều kiện để kịp thời khôi phục, phát triển sản xuất, vừa đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho 100 triệu dân trong nước, vừa phục vụ xuất khẩu.

Dù dịch bệnh COVID-19, nhưng năm 2021 ngành NNPTNT phấn đấu tăng trưởng ở mức khoảng 3%. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trên 3%. Kim ngạch xuất khẩu phải đạt 44 tỉ USD...

Để thực hiện mục tiêu này, Bộ NNPTNT đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ các nhà máy chế biến nông sản tăng cường việc sơ chế, chế biến các sản phẩm cấp đông, nước quả cô đặc, trái cây ép đóng lon, thủy sản đồ hộp, chế biến, gạo, gia cầm chế biến… để chuẩn bị tốt nhất phương án hậu dịch COVID-19 cho thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn